Dân Việt

Xuất khẩu lao động gặp khó!

10/10/2011 06:09 GMT+7
(Dân Việt) - Một số nước dừng tuyển lao động ở các ngành nghề trọng điểm, thị trường lao động Libya dừng hẳn do chiến tranh và sắp tới có thể là Hàn Quốc… Những “tiên lượng xấu” khiến chỉ tiêu XKLĐ năm nay khó về đích.

Năm 2011 thị trường XKLĐ bị thiệt hại nhất phải kể tới Libya. Theo ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam: “Chưa bao giờ XKLĐ bị thiệt hại nặng nề như năm 2011, khi phải cấp tốc đưa hơn 10.000 người đang làm việc về nước do bất ổn chính trị tại Libya. Bao công sức gây dựng thị trường này đã mất hết, ảnh hưởng tới cả tình hình chung của kế hoạch XKLĐ”. Trước đó, Đài Loan ngừng tuyển lao động giúp việc gia đình và Israel cũng tạm ngừng tuyển lao động Việt Nam.

img
Lao động của Công ty cổ phần Việt Hà (Hà Nội) tập trung chuẩn bị học định hướng để đi Malaysia.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhân lực và thương mại VINACONEC cho biết, hiện công ty chủ yếu tập trung vào các thị trường truyền thống như Malaysia, UAE, Nga, Nhật, Arập Xêút…Tuy nhiên, nếu so với 9 tháng đầu năm 2010 thì hầu hết các thị trường xuất khẩu năm nay đều giảm.

Theo ông Hiệp, một số thị trường của công ty tìm được đơn hàng đã khó, đàm phán mức lương lại càng khó khăn hơn vì phải cạnh tranh với lao động của Nêpan, Ấn Độ, Bănglađét…

“Mức lương trung bình của họ cũng rất thấp, khi đàm phán chúng ta không thể tự nâng lên một mức lương khác được. Lương ở một số nước như Arập Xêút chúng tôi đàm phán ở mức 240 USD/tháng là mức trung bình nhưng lao động ta chê thấp” - ông Hiệp cho biết.

Cùng chung quan điểm trên, ông Phạm Sơn Hà – Phó Giám đốc Trung tâm 6 (Công ty cổ phần Simco Sông Đà) cho biết: “Số lượng người đi XKLĐ năm nay của công ty giảm đáng kể, các thị trường truyền thống hiện tuyển lao động rất chặt chẽ và yêu cầu ngày càng cao. Từ đầu năm đến nay, thị trường Đài Loan có số lượng lao động đi xuất khẩu cao nhất cũng mới chỉ đạt 700 lao động, trong khi chỉ tiêu kế hoạch năm 2011 là 1.500 lao động”.

Theo ông Hà, nguyên nhân đầu tiên vẫn là do những khó khăn chung từ sự suy thoái của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng lớn đến thị trường truyền thống. Mặt khác, các thị trường hiện đã đòi hỏi khắt khe hơn như Đài Loan yêu cầu lao động có tay nghề; nhiều “trung gian” tự ý nâng phí môi giới dẫn tới các đơn hàng đàm phán được ngày càng ít đi...