Dân Việt

Chuyện lạ: Người đàn ông điếc làm trống bỏi mua vui cho đời

Việt Linh 01/10/2017 00:25 GMT+7
Mặc dù không còn nghe thấy nhưng suốt hơn 40 năm qua, người thợ làng Hảo vẫn cho ra đời hàng trăm ngàn chiếc trống bỏi, phục vụ niềm vui Trung thu của nhiều thế hệ trẻ em trên khắp cả nước.

img

Làng Hảo thuộc xã Liêu Xá (Yên Mỹ, Hưng Yên) lâu nay vốn nổi tiếng khắp cả nước với nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Những ngày này, người dân làng Hảo tất bật với các công đoạn sản xuất để kịp đưa hàng ra thị trường.

img

Trong căn nhà của ông Vũ Đắc Dùng vang lên tiếng lách cách đóng trống đứt quãng. Được mệnh danh là một trong những người làm trống bỏi khéo tay nhất làng, nhưng ít ai biết rằng người thợ làm trống đặc biệt này đã bị mất thính giác từ khi còn nhỏ.

img

Ông Dùng chia sẻ, do một tai nạn từ ngày còn nhỏ nên đôi tai ông bị mất thính giác. Thế nhưng nghề làm trống bỏi đã gắn bó với ông Dùng cả nửa cuộc đời.

img

Để bù lại cho đôi tai khiếm khuyết của mình, ông Dùng sử dụng khuỷ tay và một khúc gỗ để thử độ căng của mặt trống. “Nếu mặt trống căng đều và khi gõ vào đạt đủ độ đàn hồi nhất định thì sẽ cho âm thanh càng hay và rõ ràng”, ông Dùng chia sẻ.

img

Chỉ từ những dụng cụ thô sơ, dưới đôi bàn tay thoăn thoắt, người thợ đã hô biến thành một chiếc trống hoàn thiện âm kêu vang rõ.

img

Đã quen với nghề làm trống suốt hơn 40 năm, nên dù qua nhiều công đoạn như móc da, căng da, thử trống, dập ghim… ông Dùng chỉ mất vỏn vẹn 15 phút để hoàn thiện một chiếc trống bỏi.

img

Một trong những công đoạn quan trọng để làm chiếc trống bỏi đó là tiện tang trống. Ngày nay những chiếc tang trống được làm từ gỗ bồ đề, gỗ mỡ hay gỗ trám và phải trải qua nhiều công đoạn thủ công như cưa, vanh (khoanh tròn), tiện, phơi khô rồi sơn.

img

Trước kia chưa có máy móc để làm thân trống, các công đoạn phải làm tay, mất rất nhiều thời gian. Ngày nay, nhờ vào sự hỗ trợ của máy móc mà người dân làng Hảo tiết kiệm được rất nhiều thời gian, vật liệu. Khắp đầu làng tới cuối xóm nhộn nhịp vang lên tiếng máy cắt đục đẽo, tiếng thử trống rộn ràng.

img

Da trâu là nguyên liệu làm mặt trống, tiếng trống có vang, có trong hay không một phần là nhờ da. Da khi mua về, sẽ được xẻ từng tảng làm 3 - 4 mảnh sao cho thật đều rồi ngâm trong nước vôi để tẩy màu. Ngâm khoảng 5 - 7 ngày thì vớt ra phơi khô.

img

Cuối cùng, công đoạn cầu kỳ và quan trọng nhất đó là bưng da cho mặt trống, người thợ phải có kỹ thuật khéo léo, bưng sao cho chiếc trống phát ra âm thanh hay mà không bị rách mặt da. 

img

“Nghề làm trống hay đồ chơi Trung thu dù thu nhập chẳng đáng là bao nhưng niềm vui sướng khi thấy các cháu nhỏ vẫn thích thú khi cầm trên tay chiếc trống bỏi, đeo cái mặt nạ giấy bồi hay đầu ông sư cũng là nguồn động viên khích lệ để thế hệ chúng tôi duy trì cái nghề truyền thống này,” ông Dùng vui vẻ nói.

Gặp nghệ nhân tái tạo đôi dép cao su huyền thoại

Trong thời chiến, đôi dép cao su được chế tạo từ lốp ô tô đã trở thành biểu tượng của các chiến sĩ bộ đội Việt...