Dân Việt

Hà Nội: Uống nhầm thuốc ngâm trị ghẻ, bệnh nhân bị "cháy" cổ họng

Đình Việt 30/09/2017 07:35 GMT+7
Nhập viện với chẩn đoán bị ghẻ và chỉ chữa vài hôm là khỏi, tuy nhiên, do uống nhầm thuốc khi điều trị tại BV Da liễu TƯ, bệnh nhân đã phải chuyển cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng "cháy"cổ họng.

Uống nhầm thuốc tím

Đường dây nóng Báo điện tử Dân Việt nhận được phản ánh của người nhà bệnh nhân Lê Mạnh Hồng (Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh) phản ánh về việc, ông Hồng khi đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu TƯ đã phải chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu do... uống nhầm thuốc. 

Theo lời kể của người nhà ông Hồng, sáng ngày 25.8, bệnh nhân này nhập viện, đến 13 giờ cùng ngày thì hoàn tất cả thủ tục để điều trị. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày thì xảy ra sự cố uống nhầm thuốc và phải cấp cứu tại Khoa Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai.

Bà Thái Thị Thanh, vợ bệnh nhân Hồng cho biết, vào khoảng thời gian trên bà ra ngoài mua cơm thì ở viện chồng bà được nhân viên y tế tên là Quỳnh phát thuốc. Lúc này, bà không có mặt nên không biết chị Quỳnh có hướng dẫn chồng bà cách sử dụng thuốc hay không.

img

Ông Lê Mạnh Hồng phải chuyển viện cấp cứu sau khi uống nhầm thuốc tại bệnh viên Da Liễu TƯ. Ảnh Đình Việt.

Khi bà về, ông Hồng bảo bà cho uống thuốc. Sau khi uống, ông Hồng kêu la thảm thiết và bổ nhào vào nhà vệ sinh, bà Thanh phải gọi bác sỹ cấp cứu. Lúc này bà mới biết chồng bà uống nhầm thuốc khiến ông bị cháy niêm mạc miệng, cổ họng.

“Số thuốc này được gói trong hai miếng giấy như giấy xi măng và có màu tím. Do không được dặn cách sử dụng, ngoài túi thuốc cũng không ghi hướng dẫn sử dụng nên chồng tôi đã uống nhầm thuốc tím. Sau này, tôi mới biết đây là thuốc dùng để hòa vào nước và ngâm nhằm trị ghẻ nên khi uống nhầm đã gây loét miệng, thực quản, dạ dày ngay lập tức. 

Chồng tôi già yếu, lẩm cẩm nên đáng nhẽ khi không có người nhà thì nhân viên y tế không nên phát thuốc hoặc nếu phát thì phải ghi chú rõ ràng cách sử dụng thì đã không gây ra hậu quả nghiêm trọng này” - bà Thanh nói.

Sau khi xảy ra sự cố uống nhầm thuốc, Bệnh viện Da liễu TƯ đã ngay lập tức chuyển bệnh nhân Hồng sang cấp cứu ở Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Theo phản ánh của người nhà, sau sự cố, sức khỏe bệnh nhân Hồng suy giảm nghiêm trọng.

Điều trị tại BV Bạch Mai một thời gian, gia đình ông Hồng được thông báo cho ra viện, tuy nhiên gia đình đã không đồng ý. Lúc này ông Hồng vẫn phải ăn bằng ống xông do thực quản, dạ dày và miệng vẫn chưa khỏi vì bị thuốc tím “đốt cháy”.

Gia đình phản ứng và yêu cầu phải được tiếp tục điều trị cho tới lúc lành hẳn. Sau đó gia đình đã xin chuyển ông Hồng sang Bệnh viện 103.

Ngoài ra, cũng theo phản ánh của người thân ông Hồng, sau khi xảy ra sự cố, gia đình bệnh nhân đã nhận được 2 phong bì tiền, lần thứ nhất tại Bệnh viện Bạch Mai, lần thứ hai tại Bệnh viện 103.

img

Phong bì tiền mà người thân ông Hồng nhận được khi xảy ra sự việc. 

“Tại bệnh viện 103, họ đưa tiền và gia đình tôi từ chối sau đó họ nhét vào túi rồi nhanh chóng đi ra ngoài. Họ đến và nói là đi thăm người nhà ở đây, khi thấy ông Hồng ốm yếu thì họ cho tiền. Ngoài phong bì còn ghi các mục như “tiền xe: 2 triệu đồng”, “thanh toán bên chống độc 3 triệu đồng”.

Vấn đề chúng tôi phản ánh xuất phát từ việc làm tắc trách của nhân viên y tế Bệnh viện Da liễu dẫn đến sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bố tôi.

Lúc nhập viện ông chỉ bị ngứa và vẫn đi lại bình thường, giờ phải nhập vào viện khác trong tình trạng thân thể gầy gò, tiều tụy, cổ họng, dạ dày... bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - chị Huyền, con gái bệnh nhân Hồng nói.

Bệnh viện đã làm đúng quy trình

Trao đổi với PV Dân Việt vào chiều 29.9, ông Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TƯ xác nhận có sự việc trên. Tuy nhiên, ông Doanh khẳng định, bệnh viện đã làm đúng quy trình chuyên môn.

Ông Doanh cho biết, sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện đã tiến hành họp, y tá Quỳnh cũng đã viết tường trình. Loại thuốc mà ông Lê Mạnh Hồng uống nhầm là thuốc tím, loại này dùng để hòa vào nước và ngâm nhằm trị bệnh ghẻ.

Theo ông Doanh, quy trình là cấp phát thuốc của bệnh viện là đúng, khi phát thuốc, y tá Quỳnh cũng đã hướng dẫn ông Hồng sử dụng vì ông còn tỉnh táo, điều này có sự chứng kiến của nhiều bệnh nhân khác nằm điều trị cùng phòng với ông Hồng. 

Theo ông Doanh, sau khi xảy ra sự việc, Bệnh viện Da Liễu TƯ đã nhanh chóng chuyển ông Hồng qua Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu, sau đó bệnh viện đã cùng đồng hành để điều trị, chăm sóc chứ không bỏ mặc bệnh nhân.

Nói về hai phong bì mà người nhà bệnh nhân nhận được, ông Doanh nói, ông là người trực tiếp đưa hai phong bì trên, tuy nhiên đây là tiền từ quỹ của bệnh viện để ủng hộ chứ không phải của cá nhân nào.

“Bác ấy là người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện lại có quỹ ủng hộ những bệnh nhân khó khăn, không phải mình bác Hồng đâu, tất cả những bệnh nhân khó khăn bệnh viện đều hỗ trợ”, ông Doanh nói.

Ngoài ra, ông Doanh còn cho biết, hai khoản, hay ba khoản không quan trọng vì đều là tiền trong quỹ hỗ trợ của bệnh viện. Khi trao thì đều có cả người nhà ông Hồng chứng kiến.

>>> XEM THÊM: Cục phó mất gần 400 triệu: Sao dừng thanh tra khi mất tiền là việc riêng?

Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tiếp nhận các thông tin phản ánh của bạn đọc thông qua số điện thoại đường dây nóng: 0985. 523. 229 hoặc địa chỉ email: tiengdanntnn@gmail.com.