Dân Việt

EVNNPT và mục tiêu một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực

Trần Ngọc Lam Giang 30/09/2017 09:20 GMT+7
Muốn là một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực Đông Nam Á, Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia chỉ có cách phải mạnh mẽ tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới trong công tác vận hành cũng như xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại...

Trên là khẳng định của Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) Đặng Phan Tường xuyên suốt nhiều diễn đàn, hội nghị gần đây.

Chủ động "nghênh đón" khó khăn

Như mới đây nhất tại Hội nghị Phổ biến, quán triệt các quy định mới về công tác giám sát thi công và nghiệm thu công trình truyền tải điện mới đây, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường thông tin rất quý: Từ năm 2008 đến nay, EVNNPT đã hoàn thành, đưa vào vận hành 369 công trình, làm cho quy mô của hệ thống truyền tải điện quốc gia tăng thêm 11.708 km đường dây, 59 trạm biến áp với tổng dung lượng 42.572 MVA; đã đáp ứng yêu cầu đấu nối, giải tỏa công suất các dự án nguồn điện; đảm bảo cấp điện theo nhu cầu của các khu vực và phụ tải trên cả nước; đặc biệt đã đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho toàn miền Nam.

Hệ thống truyền tải điện quốc gia hiện có quy mô lớn so với các nước trên thế giới, được đầu tư các thiết bị tiên tiến, hiện đại; đã khép kín mạch vòng 500 kV tại khu vực kinh tế trọng điểm ở cả miền Bắc và miền Nam; năng lực truyền tải điện của hệ thống 500 kV Bắc - Nam đã được nâng cao; liên kết lưới truyền tải điện ở cấp điện áp 220 kV với Trung Quốc, Lào và Campuchia. 

img

Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc Gia. Ảnh: EVNNPT

Tại đây, Chủ tịch HĐTV Đặng Phan Tường chia sẻ: Theo Chủ tịch EVNNPT Đặng Phan Tường, để đạt được những kết quả này, ngoài sự cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức của tập thể cán bộ công nhân viên EVNNPT, còn có sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sự đóng góp rất lớn, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện, Viện Năng lượng, các công ty xây lắp điện, các công ty cung cấp cấu kiện thép và bu lông.

"EVNNPT sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt để giảm thiểu hoàn toàn các sự cố trên lưới, không để xảy ra các sự cố trong quá trình đầu tư xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia" - ông lưu ý.

Nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động

Chia sẻ với Dân Việt gần đây, Chủ tịch HĐTV Đặng Phan Tường nêu rõ nhiệm vụ phía trước của Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, EVNNPT tập trung thực hiện các mục tiêu chính như xây dựng hệ thống truyền tải điện quốc gia đồng bộ, hiện đại; đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị - xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam; sử dụng hợp lý các nguồn lực, sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn, tích lũy để đầu tư phát triển.

img

EVNNPT đã có nhiều bước tiến thần tốc đưa công nghệ truyền tải sánh ngang nhiều nước tiên tiến. Ảnh: EVNNPT

Tổng công ty cũng tập trung xây dựng mô hình tổ chức, quản trị chuyên nghiệp, hiệu quả cao, tham gia và chuẩn bị các điều kiện cần thiết đáp ứng các cấp độ của thị trường điện, đẩy mạnh thực hiện văn hóa doanh nghiệp; không ngừng cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho cán bộ công nhân viên.

Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của giai đoạn này được chúng tôi xác định là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.

EVNNPT đang xây dựng Đề án Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, trong đó có các nội dung: so sánh, xếp hạng EVNNPT với các tổ chức truyền tải điện trong khu vực và trên thế giới; xây dựng các giải pháp để thực hiện mục tiêu chiến lược đề ra.

"Một trong các mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là đến năm 2020, EVNNPT sẽ trở thành một trong bốn tổ chức truyền tải điện hàng đầu khu vực ASEAN. Mục tiêu này cũng phù hợp với mục tiêu trong giai đoạn này của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là phấn đấu trở thành một trong bốn đơn vị điện lực hàng đầu trong cộng đồng các nước ASEAN" - ông Tường chia sẻ.

Để thực hiện mục tiêu chiến lược nêu trên, EVNNPT đã và đang xây dựng các giải pháp với kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn phát triển như: đầu tư phát triển; quản lý vận hành; ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực đồng thời lo về tài chính và huy động vốn cũng như bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu."Công tác truyền thông, quan hệ cộng đồng và quan hệ quốc tế cũng là những nhiệm vụ chúng tôi rất quan tâm" - Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVNNPT khẳng định.

Đóng điện đưa vào vận hành MBA 220kV-125kV thứ hai tại TBA 220 kV Đô Lương

Ngày 27.9 tại Trạm biến áp 220 kV Đô Lương, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đóng điện đưa vào vận hành máy biến áp 220/110/22kV-125MVA thứ 2 của Trạm, hoàn thành công trình Lắp máy biến áp thứ hai Trạm biến áp 220 kV Đô Lương.

​Việc đóng điện đưa vào vận hành MBA thứ hai giúp nâng công suất của Trạm từ 125 MVA lên 250 MVA, góp phần chống quá tải cho máy biến áp AT2 220kV-125MVA hiện hữu, đảm bảo khả năng cung cấp điện an toàn và ổn định cho phụ tải tỉnh Nghệ An, tăng cường độ tin cậy, khả năng truyền tải của lưới điện.

Đây là công trình năng lượng cấp 1 nhóm B có tổng mức đầu tư hơn 128 tỷ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, NPMB thay mặt EVNNPT quản lý, điều hành dự án, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 4 tư vấn thiết kế, Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam thi công, Công ty Truyền tải điện 1 tiếp nhận quản lý vận hành.

Công trình được xây dựng trong hàng rào Trạm biến áp 220 kV Đô Lương hiện hữu tại thôn Xuân Bài, xã Xuân Sơn, huyện đô Lương, tỉnh Nghệ An.