Biến chung thành riêng
Đường dây nóng của Báo điện tử Dân Việt nhận được phản ánh của người dân xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư (Thái Bình) phản ánh về việc chính quyền xã tự ý “phù phép" nhà vệ sinh công cộng đang xây dựng cho người dân thành nhà kiên cố cho tư nhân thuê.
Cụ thể, nhiều năm qua, người dân họp tại chợ Chi Phong phải đi vệ sinh nhờ những nhà dân xung quanh do chợ trung tâm lớn nhất xã này không có nhà vệ sinh công cộng. Đây là khu chợ trung tâm của xã, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người trong và ngoài địa phương đến giao lưu, buôn bán.
Sau khi hoàn thành phần móng nhà vệ sinh, chính quyền xã Hồng Phong đã cho người khác thuê lại để xây dựng nhà kiên cố. Ảnh: Đình Việt.
Đồng thời, năm 2016, xã Hồng Phong đăng ký về đích nông thôn mới. Một trong những tiêu chí được công nhận là phải xây dựng nhà vệ sinh cho người dân buôn bán tại chợ Chi Phong. Trước thực tế này, xã Hồng Phong đã huy động nguồn lực để xây dựng nhà vệ sinh phục vụ người dân.
Tuy nhiên, thi công từ cuối năm 2016 đến giữa năm 2017, công trình mới thi công xong phần móng. Người dân kiến nghị thì được trả lời do có một hộ dân phản ứng sợ mùi hôi nên xã bắt buộc phải ngừng thi công.
Nhiều người dân đang buôn bán tại chợ Chi Phong vô cùng bức xúc trước việc làm vô lý của chính quyền địa phương. Ảnh: Đình Việt.
Phản ánh đến Dân Việt, người dân địa phương cho biết dù chưa hoàn thành công trình nhưng UBND xã đã tổ chức nghiệm thu để hoàn thành mục tiêu về đích nông thôn mới.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông L. X. T (xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư) nói: “Chúng tôi cảm thấy như bị lừa, xã chỉ làm để lấy danh hiệu nông thôn mới chứ không làm để phục vụ lợi ích của người dân. Trước đây, quy mô chợ nhỏ, thì còn đi vệ sinh nhờ được, giờ chợ được mở rộng, nhiều người buôn bán hơn thì đi nhờ mãi sao được”.
Sau đó, chính quyền địa phương không có động thái tiếp tục xây dựng mà lại cho một người khác thuê lại diện tích phần móng đó và xây nhà kiên cố để kinh doanh. Đến giữa tháng 6.2017, người dân thấy công trình kiên cố được hoàn thiện. Người xây dựng công trình cho biết vị trí xây dựng nhà vệ sinh đã được xã cho thuê lại để xây dựng cửa hàng kinh doanh.
Tự ý cho thuê đất công?
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lưu Thế Lực – Chủ tịch UBND xã Hồng Phong xác nhận việc công trình nhà vệ sinh chợ Chi Phong mới thi công xong phần móng đã được nghiệm thu. Đồng thời, xã Hồng Phong đã cho thuê công trình xây dựng trên đó để tư nhân kinh doanh.
Cụ thể, ông Lực cũng cho biết, xã đã cho một người tên Nam thuê lại phần móng nhà vệ sinh để xây nhà kiên cố. Kinh phí xây dựng là do anh Nam tự bỏ tiền ra. Anh Nam trả cho xã 1.500.000/tháng.
Ông Lưu Thế Lực – Chủ tịch UBND xã Hồng Phong trong buổi làm việc với PV Dân Việt. Ảnh: Đình Việt.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, hợp đồng thuê đất giữa UBND xã Hồng Phong và anh Lưu Hoài Nam (SN 1991, trú tại thôn Tân Phong, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư, Thái Bình) được lập ngày 15.1.2017. Người đại diện cho UBND xã Hồng Phong là ông Lưu Thế Lực - Chủ tịch xã.
Hợp đồng nêu rõ, vị trí khu đất đã được xã Hồng Phong quy hoạch và đã xây dựng bể phốt của khu nhà vệ sinh phục vụ sinh hoạt chợ theo tiêu chí chợ nông thôn mới, diện tích 22,5m2, thời hạn thuê đất là 5 năm, từ 15.1.2017 đến hết ngày 31.12.2021.
Tiền thuê đất mà anh Lưu Hoài Nam phải trả là 1.500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, cũng theo hợp đồng này thì trong quá trình sử dụng, anh Nam phải cam kết cho người dân đến họp chợ được đi vệ sinh cá nhân khi có nhu cầu ở nhà vệ sinh của anh Nam xây dựng trong hiệu thuốc.
Trả lời câu hỏi của PV vì sao mới chỉ xây xong phần móng, công trình đã được nghiệm thu, ông Lực trả lời: “Lúc có cái móng nhà vệ sinh, xã đã được công nhận nông thôn mới. Kinh phí làm nhà vệ sinh là của xã. Bây giờ chúng tôi sẽ thu hồi để làm lại nhà vệ sinh cho người dân. Xã sẽ thanh toán lại chi phí xây dựng cho anh Nam. Tiền trả lại cũng sẽ lấy từ ngân sách của xã!”.
Trong khi đó, anh Lưu Hoài Nam - người thuê lại đất xây dựng nhà vệ sinh của xã Hồng Phong đang yêu cầu xã này phải bồi thường tiền xây dựng, chi phí chuẩn bị kinh doanh đã đổ vào công trình này.