Dân Việt

Phạm Công Danh nói “khắc phục" hậu quả cho VNCB, Trầm Bê thì sao?

Quốc Hải 01/10/2017 07:00 GMT+7
Mới đây, ông Trầm Bê bị đề nghị truy tố bổ sung cùng 21 bị can trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Trầm Bê được Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) xác định đã gây thiệt hại 1.835 tỷ đồng cho VNCB...

Như vậy, dù “thoát án” vì không gây thiệt hại cho Sacombank nhưng chắc chắn ông Trầm Bê sẽ phải trả giá cho hành vi gây thất thoát 1.835 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), do tiếp tay cho Phạm Công Danh gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng (trong tổng cộng 15.000 tỷ đồng) tại nhà băng này.

img

Ông Trầm Bê có đủ khả năng và “tự tin” như ông Phạm Công Danh khi tuyên bố sẽ khắc phục 100% hậu quả gây ra cho VNCB? (Ảnh: IT)

Tuyên bố đầy... tự tin của cựu chủ tịch VNCB

Còn nhớ, cách nay hơn 1 năm, tại phiên tòa xét xử đại án Phạm Công Danh và 35 đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.100 tỷ đồng, tại phiên xét hỏi cuối cùng ngày 12.8.2016, khi được hỏi có nguyện vọng gì, ông Danh nói mong muốn được khắc phục 100% hậu quả cho VNCB. Vậy dựa vào đâu để cựu Chủ tịch VNCB tự tin sẽ làm được điều đó?

Thực tế, theo tài sản kê biên của Danh khi bị bắt, ngoài số tài sản được Cơ quan Cảnh sát Điều tra thu giữ trị giá khoảng 12 tỷ đồng, còn có 37 bất động sản được kê biên, gồm 14 bất động sản tại TP.HCM, số còn lại phân bố tại các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Đà Nẵng. Các tài sản này đang được đảm bảo cho khoản vay 7.100 tỷ đồng ở 3 Ngân hàng là Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank), VNCB và Agribank. Trong các tài sản bất động sản này, giá trị nhất là các lô đất ở SVĐ Chi Lăng (Đà Nẵng) mà theo định giá của cơ quan chức năng thì có giá hơn 2.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Danh thì trước khi bị bắt, đã có người trả 250 triệu USD (tức hơn 5.000 tỷ đồng), nếu được tạo cơ hội cho bán thì ông Danh tin rằng sẽ được giá hơn con số 2.600 tỷ đồng được định giá và... dư sức trả nợ.

Sở dĩ, Phạm Công Danh tự tin rằng có thể dư sức trả nợ bởi tính ra, với khoản vay 4.700 tỷ đồng ở VNCB, nếu tính theo định giá 2.600 tỷ đồng thì sau khi trừ đi tài sản đảm bảo, VNCB vẫn còn bị thiệt hại gần 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính giá trị mà có người “hỏi mua” trước thời điểm ông Danh bị bắt, tức là khoản tiền 250 triệu USD thì ông Danh vẫn còn... lời, sau khi trừ đi khoản vay 4.700 tỷ đồng.

Ngoài ra, các khoản tài sản khác như 3 căn nhà, tiền,... (tài sản riêng của 2 vợ chồng Phạm Công Danh) thì ông vẫn sẵn sàng dùng để trả nợ.

Đặc biệt, với khoản tiền mà ông Phạm Công Danh khai đã trả cho nhóm bà Hứa Thị Phấn hơn 3.600 tỷ đồng nhưng phía bà Phấn lại không bàn giao hết tài sản (các lô đất có giá tới 7.000 tỷ đồng ở khu vực Quận 2 và Nhà Bè TP.HCM) cho nên ông không bán được để trả nợ. Nếu hợp đồng với bà Phấn là vô hiệu thì ông Danh cũng đề nghị tòa xem xét giúp ông đòi lại khoản tiền 3.600 tỷ đồng từ phía bà Phấn về để có thêm nguồn khắc phục hậu quả.

Theo Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia Kinh tế, thành viên đoàn luật sư TP.HCM thì, theo điểm b khoản 1 điều 46 Bộ luật Hình sự thì việc nộp tiền để khắc phục hậu quả thì vẫn được toà án xem xét để giảm trách nhiệm hình sự...

Dù vậy, đầu năm 2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xử phúc thẩm, tuyên y án 30 năm tù đối với ông Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Toà buộc các bị cáo liên đới nộp lại hơn 9.000 tỷ đồng thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng.

Sau đó, Cục Thi hành án TP.HCM đã thu hồi được hơn 5.000 tỷ đồng thiệt hại từ đại án này.

Ông Trầm Bê thì sao?

Đầu tháng 7, ông Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục bị đề nghị truy tố do gây thiệt hại thêm 6.000 tỷ đồng cho VNCB. Liên quan đến vụ án này, ông Trầm Bê đã bị tạm giữ để điều tra và đến thời điểm hiện tại, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ra quyết định đề nghị truy tố bổ sung với ông Trầm Bê. Cụ thể, Cơ quan Điều tra xác định, ông Trầm Bê có chủ trương "giải ngân trước bổ sung chứng từ sau", giúp ông Danh gây thất thoát 1.835 tỷ đồng của VNCB.

Liệu ông Trầm Bê có đủ “tự tin” tuyên bố sẽ khắc phục 100% hậu quả cho VNCB?

Thực tế, theo khối tài sản mà ông Trầm Bê và gia đình sở hữu được Dân Việt thống kê trước đó thì tổng sản tính theo giá cổ phiếu tại Sacombank và BCI vào khoảng hơn 2.500 tỷ đồng, cùng với giá trị tài sản là các bất động sản khác... Tuy nhiên, theo công bố của Chủ tịch HĐQT Sacombank - ông Dương Công Minh mới đây thì, ông Trầm Bê hiện đang có 2 khoản nợ tại ngân hàng này, một khoản liên quan tới bất động sản với giá trị khoảng 33.000 tỷ đồng; khoản nợ thứ hai là cổ phiếu với giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng. Tổng cộng là khoảng 43.000 tỷ đồng và đều có tài sản bảo đảm.

Rõ ràng, chưa biết được số tài sản của ông Trầm Bê và gia đình đang bị Sacombank “cầm cố” là bao nhiêu và vấn đề “khắc phục hậu quả” cho khoản tiền 1.835 tỷ đồng ở VNCB không  dễ thuyết phục.