A Múi, 18 tuổi, nhà ở thôn Lục Pó (xã Công Sơn, Cao Lộc, Lạng Sơn), dậy trước khi gà gáy, thoăn thoắt quẩy nước từ khe suối đổ đầy ba chum, lôi hai con gà đang lim dim ngủ trên cành cây trước hiên, trói chặt chân bằng những dây lạt mềm, chuẩn bị làm thịt. Nhà cô hôm nay tổ chức sơn đầu, nhiều người đến chơi, vui vẻ.
Bà Nảy nhổ tóc tơ, chuẩn bị sơn đầu cho một phụ nữ. |
Bà Triệu Múi Nảy, 45 tuổi, mẹ của A Múi, nói: “Người Dao mình quan niệm rằng Chập puân miền, đùa puân choong (mười phần đẹp, chín phần do trang điểm). Thi thoảng mình vẫn hướng dẫn cách sơn đầu cho các con vào những dịp lễ, tết. Năm nay con A Múi đến tuổi “trăng rằm”, được trang điểm để khoe với lũ trai làng rồi”.
Nói đoạn, bà Nảy vào buồng lấy ra bộ đồ nghề, bao gồm một bộ xà kích, trong đó có chiếc mù chẳn, đầu dẹt, chuyên dùng để nhỏ tóc, cục sáp ong vàng óng, chiếc lông nhím khô cứng. Bà đến gần bếp lửa hồng giữa nhà, ba người phụ nữ người Dao lặng lẽ tiến đến gần. Chẳng nói, chẳng rằng họ đưa A Múi đến bên những ngọn lửa, hơ tóc vài lượt, búi gọn đỉnh đầu.
Ba người nhanh tay dùng những sợi chỉ se, mù chẳn nhổ sạch những lông tơ mọc trên tai, trên trán người thiếu nữ. Ban đầu, A Mùi nhăn mặt, tỏ vẻ đau, nhưng sau đó, cảm thấy bình thường, ngồi im cho người già làm việc.
Hơn một tiếng đồng hồ sau. Bà Nảy lấy cục sáp ong mang nướng trên ngọn lửa. Sáp nóng chảy, tỏa mùi thơm ngậy. Một tay bà Nảy dùng lược nhúng vào bát sáp mật ong nóng chảy, tay kia túm lấy mái tóc A Múi, chia tách chừng mười sợi, dùng lược miết tóc ngược, quấn quanh đầu.
Bà Nảy vừa làm, vừa cầm lấy cục sáp ong tròn, giới thiệu: “Sau khi lấy được tổ ong tròn trên rừng, bóp lấy mật, còn bã cho vào ống cây, hơ nhỏ lửa, rồi đổ thành khuôn, khi nguội sẽ cô thành bánh. Sáp mật ong rừng thơm, mềm như mỡ lợn, không dính, có độ bền chặt ”.
Để hoàn thành công việc sơn đầu, phải mất vài tiếng, càng sơn lâu, càng óng đẹp. Cụ Triệu Múi Lỉu, 92 tuổi, vẫn còn minh mẫn, làm được nhiều việc vặt trong nhà. Cụ chỉ vào mái tóc của mình, nhẩn nha trò chuyện: “Già là Mán sơn đầu từ lâu lắm rồi. Ngày xưa mình đi lấy chồng mà không biết sơn đầu thì người già không thích đâu. Bây giờ cũng vậy, con gái phải biết làm cái đầu mình óng, mới duyên, con trai nó mới thích, cha mẹ thằng người yêu mới ưng cái bụng!”.
Cụ Lỉu có hàng chục con cháu, các cô sơn nữ đều cạo đầu, nhổ tóc, sơn bóng. Đây là một biểu hiện của người con gái Dao đã đến tuổi trưởng thành.
Ông Hoàng Lùng Sỉu, 51 tuổi, chồng của bà Nảy dọn dẹp bàn thờ tổ tiên, rầm rầm khấn vái. Một lúc quay về phía bếp lửa, âu yếm nhìn vợ, tâm sự: “Ngày xưa mẹ cũng ngồi bên bếp lửa làm tóc như thế này, tóc mẹ bóng, đẹp lắm. Vợ của mình thỉnh thoảng đi chơi hội, vẫn sơn đầu đấy, mình không ghen đâu. Ngược lại, mình thấy thích ngắm vợ, như thế mới thấy giống mẹ của mình khi xưa”. Theo ông Sỉu, đối với người đàn ông Dao thì việc sơn đầu là một trong những tiêu chuẩn để kén vợ.
Sau gần hai ngày, khi mật ong đã khô, tóc đã bết, công việc sơn đầu coi như hoàn thành. Bà Nảy dặn A Múi: “Mỗi lần sơn để lâu 3-4 tháng, cố gắng hạn chế gội đầu. Nếu đi rừng bẩn tóc, lấy quả chanh, quả bưởi mọng nước chà lên tóc, một lúc là sạch ngay. Cũng có thể, mày bị ngứa đầu đấy, hãy lấy lông nhím này mà gãi. Sướng lắm!”.
Kết thúc lễ sơn đầu, mọi người vây quanh A Múi, trầm trồ khen ngợi. Đôi mắt cô long lanh, e lệ. A Múi chạy vào buồng, đóng cửa lại. Tiếng cười sảng khoái của trai làng, gái bản rộn vang vào vách núi Mẫu.
Mâm cỗ được bưng lên. Bát cháo ngô đặc quánh, ăn với đu đủ xào. Món thịt gà sáu cựa quý (chỉ có ở vùng Công Sơn, Mẫu Sơn), luộc vàng ươm đãi khách. Rượu men lá chếnh choáng bát đầy. Bà Nảy phấn khởi thông báo: Gia đình bà có 5 người con, đến cuối tháng 10 này, sẽ tổ chức lấy vợ cho người con trai thứ ba, mời mọi người đến chung vui. Bà cho biết, con dâu tương lai làng bên, đẹp người, đẹp nết, đã được bà hướng dẫn cuốn tóc, sơn đầu vào mùa xuân năm ngoái.
A Múi đã có một cái đầu đẹp. Là nhân vật chính nên cô cầm bát rượu mời từng người một. Mùi thơm phảng phất, mê say...