Từ nay đến cuối năm 2017, Việt Nam khả năng vẫn chịu ảnh hưởng của 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Ảnh minh họa Tiền Phong.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trong những tháng cuối năm 2017, thời tiết vẫn ở trạng thái trung tính ENSO (không nóng cũng không lạnh). Sang đầu năm 2018, có xu hướng chuyển dần trạng thái sang pha La Nina (lạnh).
Hệ quả, mùa bão và áp thấp nhiệt đới sẽ kéo dài; mùa mưa, lũ ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ kết thúc muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), mưa có xu hướng cao hơn TBNN trong các tháng cuối năm. Nền nhiệt độ trung bình trên toàn quốc có xu hướng dao động ở mức xấp xỉ với TBNN.
“Từ tháng 10 đến hết năm 2017 sẽ còn khoảng 4-5 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông, chủ yếu tập trung ở khu vực Giữa và Nam Biển Đông. Trong số đó có khoảng từ 1-2 cơn bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng tới đất liền nước ta và tập trung ở khu vực Trung Bộ, Nam Bộ”, cơ quan khí tượng nhận định.
Ngoài ra, trong các tháng cuối năm, do hoạt động của rãnh thấp xích đạo, vùng biển Giữa và Nam Biển Đông, vùng biển phía Tây có thể xuất hiện mưa dông mạnh kèm tố, lốc và gió giật.
Cơ quan khí tượng cũng cho hay, trong tháng 10/2017, không khí lạnh từ phía bắc sẽ có xu hướng hoạt động mạnh dần và ảnh hướng đến nước ta khoảng 1-2 đợt. Tuy nhiên, các đợt không khí lạnh đầu mùa này có cường độ không quá mạnh, chủ yếu là gây mưa.
Tại miền Trung, tháng 10, dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh hơn. Các nhiễu động trên dải hội tụ nhiệt đới có thể hình thành các xoáy thuận nhiệt đới (bão hoặc áp thấp nhiệt đới) hoặc các nhiễu động gió Đông gây ra các đợt mưa lớn. Do vậy, cần đề phòng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đặc biệt ở khu vực vùng núi và ngập úng ở các vùng trũng thấp.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 10 tiếp tục chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động có cường độ trung bình đến mạnh, do vậy khả năng sẽ gây nhiều ngày mưa trên khu vực.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên TP.HCM trong hôm nay và vài ngày tới sẽ có mưa vừa, mưa to.