Với đàn lợn khoảng hơn 2 triệu con, đàn gà gần 16 triệu con, tỉnh Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Từ năm 2008, tỉnh đã quy hoạch các vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung để quản lý tốt vấn đề môi trường và kiểm soát về dịch bệnh.
Khu thí điểm đầu tiên
Trại lợn của ông Mai Thanh Chu trong khu chăn nuôi tập trung LPZ. Ảnh: H.V
Tỉnh sẽ đầu tư theo hướng có chọn lọc và tập trung làm các dự án điểm chứ không đầu tư mang tính dàn trải. Cụ thể, toàn tỉnh có 4 huyện, gồm: Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ được chọn làm điểm để thực hiện trước. Mỗi huyện cũng chọn lọc dự án điểm để triển khai đầu tư hiệu quả. Hiện 3/4 huyện đã ban hành kế hoạch triển khai đầu tư thí điểm hạ tầng và bước đầu mang lại hiệu quả”. Ông Phan Minh Báu - |
Năm 2015, khu thí điểm chăn nuôi tập trung (LPZ) đã được dự án LIFSAP đầu tư xây dựng hạ tầng gồm các hạng mục: Hệ thống đường, điện, hệ thống thoát nước... với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ đồng tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất.
Đến nay, toàn bộ hạ tầng cơ bản đã hoàn thiện và đi vào vận hành. Khu LPZ có quy mô rộng trên 162ha, trong đó diện tích chăn nuôi là gần 31ha (chiếm gần 19% tổng diện tích).
Đây là khu thí điểm duy nhất của Đồng Nai và trong cả nước được Ngân hàng Thế giới và Ban quản lý trung ương dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) chấp thuận hỗ trợ đầu tư. Hiện khu thí điểm đã thu hút được 60 hộ chăn nuôi với tổng đàn lợn khoảng 6.500 con, trong đó đa số là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với quy mô từ vài chục đến vài trăm con lợn.
Theo dự kiến, số hộ chăn nuôi tại Khu LPZ là 120 hộ. Quy mô chăn nuôi tiêu chuẩn của LPZ yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng chăn nuôi không quá 30% diện tích. Diện tích đất còn lại được phân bố cho các hoạt động như xử lý môi trường, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Đa số các hộ chăn nuôi trong Khu LPZ đều tham gia tổ hợp tác áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn (GAHP), đã có nhận VietGAHP vào năm 2016.
Theo ông Mai Thanh Chu - Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 02 trong khu dự án cho biết, tuy là khu chăn nuôi tập trung nhưng vùng này không khí rất thoáng đãng, môi trường xung quanh không bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi đều được hỗ trợ xây dựng hầm biogas xử lý chất thải. Đường sá cũng được đầu tư khang trang, sạch đẹp, điện được kéo về tận nơi phục vụ sản xuất.
Vì sao nông dân chưa mặn mà?
Để cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập, việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh, đặc biệt đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là điều rất cần thiết. Mặt khác, ô nhiễm môi trường do chăn nuôi trong khu dân cư đang trở thành vấn đề “nóng” gây bức xúc với người dân.
Một trang trại nuôi lợn tại khu chăn nuôi tập trung ở Đồng Nai. Ảnh: I.T
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh Đồng Nai có 139 vùng chăn nuôi tập trung thuộc 8 huyện và thị xã Long Khánh với tổng diện tích trên 15.674ha. Tuy nhiên đến nay, ngoại trừ Khu LPZ được dự án LIFSAP đầu tư, nhiều vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung vẫn chưa thu hút được người chăn nuôi.
Thực tế, quy hoạch mới dừng lại ở mức khoanh vùng chăn nuôi mà chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy các chủ trang trại lớn rất quan tâm đến việc thực hiện chăn nuôi đúng quy hoạch, nhưng chi phí quá lớn là rào cản không nhỏ với các nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Hậu ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), chia sẻ: “Tôi tổ chức chăn nuôi bên ngoài chứ không vào khu quy hoạch tập trung, vì người chăn nuôi gặp phải quá nhiều vấn đề. Khó khăn nhất là chúng tôi phải tự bỏ mọi chi phí trong khi giá đất ở đây lại liên tục leo thang”.
Ông Trương Văn Phụng - nông dân ở ấp Hàng Gòn, xã Hàng Gòn (thị xã Long Khánh), lo lắng: “Địa phương có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung nhưng chẳng ai quan tâm. Trong khi đó, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn vẫn được đầu tư trong khu dân cư. Không ít trang trại xả chất thải trực tiếp xuống suối khiến con suối đi qua vùng này đặc sệt phân lợn, quanh năm bốc mùi hôi thối và gây ô nhiễm nặng cho các giếng khoan gần khu vực”.
Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, khó khăn về vốn cũng làm nông dân e ngại. “Vốn phục vụ sản xuất chăn nuôi rất lớn, nhưng khi có nhu cầu vay vốn, người chăn nuôi chưa được thế chấp bằng đàn vật nuôi do mức độ rủi ro cao. Hiện người chăn nuôi chỉ có thể thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đất xây dựng trang trại là đất nông nghiệp có giá trị thế chấp rất thấp. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách hầu như không có” - một cán bộ của Sở cho biết.