Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ có lịch trình làm việc dày đặc ngay sau khi bà đặt chân đến Hà Nội. Thủ tướng Merkel có cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Văn phòng Chính phủ. Sau đó, hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết hàng loạt các văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Merkel sẽ hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đi thăm di tích lịch sử của Việt Nam là Văn miếu Quốc Tử Giám, thăm nhà máy của công ty B. Braun...
Tháp tùng Thủ tướng Merkel đến Việt Nam lần này là các quan chức cấp cao trong chính phủ Đức và một đoàn doanh nghiệp Đức hùng hậu đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Trước đó, ngày 10.10, báo chí Đức đã đăng tải nhiều thông tin liên quan đến chuyến thăm Việt Nam và Mông Cổ của Thủ tướng Angela Merkel. Tạp chí Châu Âu trực tuyến dẫn tin của hãng DPA cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.
"Sự kỳ diệu kinh tế" của Việt Nam bắt đầu năm 1986, khi đất nước này bắt đầu mở cửa cho những cải cách kinh tế thị trường. Năm 2010, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng gần 7%. Những sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam là dầu mỏ, gạo, cà phê, hàng dệt may, giày và cá.
Trong năm qua, Việt Nam xuất khẩu sang Đức lượng hàng hóa trị giá 2,94 tỷ euro (tăng 28,4%) trong khi Đức xuất khẩu sang Việt Nam khối lượng hàng hóa trị giá 1,48 tỷ euro, trong đó chủ yếu là máy móc, xe cơ giới và sản phẩm hóa học. Trong Liên minh châu Âu (EU), Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Trong chuyến thăm bốn ngày của Thủ tướng Merkel tới Việt Nam và Mông Cổ, trọng tâm các cuộc thảo luận là các vấn đề kinh tế bên cạnh các cuộc hội đàm chính trị. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Merkel đến Việt Nam và là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Đức tới Mông Cổ từ trước tới nay.
Đăng Thúy