Khi hồ thủy điện Hương Điền tích nước, đàn trâu nhà bị “kẹt” lại giữa rừng và dần trở nên hoang dã. Cũng từ đây hình thành nghề chăn dắt, bắt trâu hoang “có 1 không 2” ở vùng Khe Trái, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế).
Đàn trâu của ông Phước
Nhiều lần hẹn gặp mới được ông Hồ Khả Phước (thôn Lại Bằng 1, phường Hương Vân) - chủ đàn trâu hoang lớn nhất Hương Trà, cho một chuyến “du ngoạn” lên lòng hồ thủy điện Hương Điền bằng thuyền máy. Từ sáng sớm, áo phao chỉnh tề, chúng tôi trực chỉ vùng Khe Trái. Sau hơn 40 phút lênh đênh trên vùng nước mênh mông cùng tiếng động cơ chát chúa, vùng Khe Trái hiện ra với triền núi, bãi đất đồi trù phú. Cứ ngỡ sau lòng hồ thủy điện là chốn “thâm sơn cùng cốc”, ai dè là vùng đất canh tác mấy chục năm trời của lâm dân.
Lòng hồ thủy điện Hương Điền được góp nước từ thượng nguồn sông Bồ - dòng nước chắt chiu triệu năm từ núi đá, đã bồi đắp cho vùng Khe Trái thứ đất mà như lời ông Phước nói, trồng cây ăn quả hay rừng kinh tế đều có thể làm giàu được. Cách đây chẵn 20 năm, ông lên vùng Khe Trái lập nghiệp, khai hoang đất để trồng sắn, đậu và nuôi trâu, bò. Sau nhiều năm, ông cũng được chính quyền tạo điều kiện cấp 4,6 ha đất trồng keo tràm, phát triển kinh tế...
Ông Hồ Khả Phước kể về "chiến tích" săn bắt trâu hoang hình thành từ chính đàn trâu nhà mà trước kia ông chăn thả. Lý do đàn trâu nhà của ông Phước trở thành trâu hoang là do thủy điện Hương Điền tích nước, vùng đồi núi nơi ông làm trang trại trở thành ốc đảo, đàn trâu dần lạ mặt với chủ, thiếu vắng bóng người.
Đàn trâu, bò ông Phước sinh sôi nhờ đồng cỏ tươi trù phú và tắm ở những đảo nổi ven lòng hồ. Khi hồ thủy điện tích nước, loài gia súc sinh sôi đã không kịp theo chân chủ về đồng bằng mà bị kẹt lại giữa mênh mông nước. Dần vắng hơi người, đàn trâu không còn nhớ mặt chủ. Ông Phước kể: “Hồi đó tui thả 15 con trâu, nếu mà không bị dính bẫy, bắt trộm của các nhóm thợ rừng, thì bây giờ đã sinh sôi lên 60-70 con rồi. Phần trâu bị chết khi người ta không thăm bẫy, phần tôi "đánh bắt" dần nên bây giờ chỉ còn gần 40 con mà thôi...”.
Đàn trâu hoang của ông Phước thường tập trung ở vùng Khe Rờ. Từ lán trại ở Khe Trái, đi non 2 giờ đồng hồ là tới. Tôi ngỏ ý muốn đi “thực địa”, ông Phước can: “Bây giờ sắp bước vào mùa sinh sản, trâu dữ lắm. Nếu cần thì buổi chiều, may mắn trâu ra “mẹp” (ra tắm nước ở những đảo nổi ven lòng hồ), tui sẽ bắt trâu hoang cho chú coi”. Cũng không biết khi nào trâu ra “mẹp” như lời ông nói, nhưng lời hứa của ông làm cho chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục câu chuyện về trâu hoang.
Khi lòng hồ tích nước, một số vùng bán ngập đã hình thành cơ man nào các ốc đảo nằm khá biệt lập. Vào tầm tháng 5-10 (DL), mùa nắng nóng, trâu bị con mòng rận cắn ngứa trên da, sẽ ra các ốc đảo nổi này để “mẹp”, cũng là lúc các tay thợ săn trâu hoang ra tay. Mỗi chuyến "đánh" trâu hoang, ông Phước thường thuê 3 người thợ dưới xuôi lên, trả công 300 nghìn đồng/người/ngày. “Dù bắt được trâu hoang hay không mình cũng phải trả tiền, đó là thỏa thuận. Các thợ tui gọi rất chuyên nghiệp, "cứng cựa", nếu không xảy ra tai nạn thì rất phiền hà”, ông Phước nói chắc nịch.
Ngồi bên, ông Trần Bưu, một thợ săn trâu rừng góp chuyện: “Khi trâu ra “mẹp” sát sông, phải chọn thế mà lùa ra giữa đảo nổi rồi dùng thòng lọng có gắn thanh gỗ chừng 2,5m, quàng cho được vào cổ trâu. Trâu ở trong rừng lâu ngày, thấy người là bỏ chạy thục mạng. Chúng băng qua làn nước rồi nhắm lên phía rừng cây. Tại đây trâu sẽ bị kẹt lại bởi thanh chắn nơi cổ, thế là bị bắt”.
“Kỹ nghệ” săn bắt
Cái khó của thợ săn trâu hoang là làm sao vừa tránh được đòn, vừa giữ cho trâu được sống mới bán được giá cao. Chỉ cách đây một tuần lễ, ông Bưu cùng 2 thợ săn trâu bắt 2 con trâu đực đang đánh nhau, kéo ra giữa “đảo” nổi. Một con nhát người bị thòng lọng thắt mạnh ở cổ. Trâu chết nên chủ chỉ bán thịt được 5 triệu đồng. Với chủ đàn trâu hoang lớn như ông Phước, không chỉ tìm cách bắt trâu mà còn bỏ công thuần dưỡng và thường xuyên kiểm tra đàn trâu trước những mánh khóe săn trâu trộm của nhóm thợ rừng. Ông Phước tâm sự: “Nhiều lần phát hiện trâu chết trong rừng rất xót xa bởi nhóm thợ săn đặt bẫy. Trâu bị thắt ở chân, vẫn chạy vào rừng nhưng rồi bị hoại tử phần chân, không đi được cũng chết. Đa số những trâu hoang tui bắt được đều mang về thuần dưỡng trong 20 ngày là đã thân thiện với con người”.
Đường vào Khe Trái (thị xã Hương Trà) để đi xem đàn trâu hoang.
Với thợ săn trâu thuê ở vùng Khe Trái, cách bắt trâu hoang ngoài lùa loài vật này ra các đảo nổi thì họ còn “xây nhà” cho trâu ở. Đó là những chuồng trâu bằng cây rừng thô sơ, được gia cố bằng các cọc gỗ lớn, kết lại bằng dây thừng, cắm sâu xuống lòng đất. Chuồng trâu có cửa nhưng để lộng gió hai đầu cho bay bớt hơi người và để trâu vào trú ngụ nhưng đi ra vào dễ dàng. Khi người thợ phát hiện trâu đi từng đàn 3-4 con vào trú thì sẽ đóng một cửa rồi lùa chúng về một hướng và đóng cửa còn lại. Từng con sẽ được dùng thòng lọng để bắt ra.
Ông Phước bảo, để nghĩ ra cách bắt này, ông đã mất nhiều năm với đủ các thứ bẫy để mang trâu hoang về nhà bán hoặc thuần dưỡng. Trước đây, ông Phước thường làm bẫy thòng lọng hoặc bẫy kiềng 3 chân kẹp ở chân trâu nhưng đều thất bại. “Trâu nhà hoang hóa nên rất khôn. Nó chỉ cần ngửi thấy hơi người là không bao giờ đi vào những cái bẫy mình đặt sẵn. Vả lại, nếu bẫy lọng ở chân, không bắt được trâu khi nó lồng lộn làm đứt dây bỏ chạy thì xem như mình mất luôn con trâu đó vì nó sẽ chết trong rừng sâu”, ông Phước kinh nghiệm.
Đã không ít lần, nhóm thợ như ông Phước, ông Bưu bị trâu rừng tấn công khi đặt bẫy hoặc vô tình lạc vào lãnh địa của chúng. Nếu đi rừng mà phải đi qua vùng đất trâu hoang trú ngụ thì những người thợ rừng phải vừa đi, vừa nói chuyện thật to để trâu bị đánh động mà tránh. Còn không, khi giáp mặt sẽ bị tấn công bất ngờ. “Vào mùa sinh sản (tháng 9-12 DL), trâu thường hung dữ hơn do bản năng bảo vệ con. Do vậy, không ai đi săn vào mùa trâu sinh sản hết”, ông Phước đúc rút.
Đưa cánh tay còn vết sẹo nhỏ, ông Phước kể: “Bắt trâu rừng là một “nghệ thuật” mà kinh nghiệm trong nghề nhiều lúc đánh đổi bằng bài học xương máu. Có lần, nhóm của ông gồm thợ săn Trần Bưu, Hồ Văn Hóa bắt con trâu đực tại vùng Khe Rờ. Trên đường dẫn về, trâu giật đứt dây, tấn công người dắt đằng mũi. Trong phút chốc con trâu bất thần lao tới nên ông Phước không thể tìm đường tránh, chỉ biết nằm mẹp xuống đất. Trâu dùng sừng hất nhiều lần nhưng chỉ làm sây xát phần ngoài da bởi ông Phước biết cách tránh được mũi nhọn từ sừng trâu.
Ông Phước giải thích: “Mình nằm mẹp xuống đất thì trâu chỉ dùng đầu húc chân tay chứ không dùng sừng được. Khi không húc được, chúng sẽ dùng đầu ghì vào người thì thợ săn phải nhanh tay chụp hai sừng trâu đẩy lên và nhanh chân tìm các mỏm đá, cây lớn để núp. Lần đó tui thoát chết cũng nhờ kinh nghiệm bắt trâu hoang”.
Nghề nguy hiểm là thế, nhưng với nhóm thợ chuyên bắt trâu thuê, vì sinh kế nên không bỏ nghề được. Bởi thế, ông Phước chỉ lựa những thợ săn trâu chuyên nghiệp, lành nghề và có cam kết “ăn chia” trước mỗi cuộc đi săn.