Dân Việt

Chất thải nhiệt điện “đe dọa” người miền Tây

Huỳnh Xây 06/10/2017 06:39 GMT+7
Để giải quyết lượng chất thải công nghiệp ngày càng tăng ở ĐBSCL, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công Thương vừa tổ chức hội thảo khoa học “Sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng tại khu vực ĐBSCL”.

Lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn

Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), khu vực ĐBSCL đang có Nhà máy nhiệt Điện I, III vận hành từ năm 2016 với tổng công suất phát điện 1.445MW (mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn tro, xỉ). Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự kiến đến năm 2020, sẽ có thêm các nhà máy nhiệt điện Long Phú, Sông Hậu, Duyên Hải III mở rộng hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 5.505MW (mỗi năm tiêu thụ khoảng 16,52 triệu tấn than và thải ra ngoài khoảng 4,13 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao).

Từ sau năm 2020 đến năm 2030, sẽ có thêm 9 nhà máy hoạt động, nâng tổng công suất phát điện lên 18.225MW (mỗi năm tiêu thụ khoảng 54,68 triệu tấn than và thải ra ngoài khoảng 13,67 triệu tấn tro, xỉ). “Nếu không có các giải pháp tháo gỡ, tổng lượng tích luỹ tro, xỉ trên các bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện sẽ phát sinh rất lớn” – ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng nhấn mạnh.

img

  Lượng tro, xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện ngày một gia tăng “đe dọa” môi trường khu vực ĐBSCL (Trong ảnh: Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh). Ảnh: HUỲNH XÂY

Về hệ thống lưu trữ tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện than, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Khi thiết kế, các nhà máy đều có bố trí bãi lưu trữ tro, xỉ trong quá trình vận hành. Đối với các nhà máy trong những năm trước, bãi lưu trữ thường được bố trí với dung lượng lớn, có thể đảm bảo vận hành từ 7-10 năm”.

Ông Trương Quang Hoài Nam – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ băn khoăn: “Nếu đến giai đoạn 2020-2030, lượng tro, xỉ, thạch cao ở ĐBSCL thải ra khoảng 13,67 triệu tấn, lúc này câu chuyện đặt ra đối với vấn đề môi trường là rất lớn. Hy vọng, các bộ, ngành sẽ có cách phân tích, chia sẻ rõ ràng, minh bạch các vấn đề có liên quan để người dân trên dòng sông Hậu yên tâm hơn”.

Làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng

Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, thải ra hơn 16 triệu tấn tro xỉ, thạch cao/năm. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện than đi vào hoạt động, tổng lượng tro, xỉ phát sinh ước khoảng 22,6 triệu tấn/năm.

Để giải quyết những bức xúc gây ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, đa số các ý kiến đưa ra tại hội thảo là sử dụng lượng tro, xỉ trên làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (phụ gia xi măng, làm vật liệu gia cố nền, vật liệu san lấp, làm gạch không nung, gạch bê tông nhẹ, gạch bê tông…). Ngoài đảm bảo môi trường, việc làm trên còn giúp giảm chi phí trong gia cố nền đất ở các tuyến đi qua khu vực đồng bằng ngập nước, các khu vực hồ ao, góp phần giải quyết được tình trạng nhập cát từ Campuchia với giá rất cao.

Hiện nay, một số bộ, ngành đang khẩn trương thực hiện Đề án “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng” (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Trong đó, có việc nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách có liên quan.

“Đây là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Chính phủ, cũng như các bộ, ngành, các địa phương nơi có nhà máy điện than, đặc biệt đối các doanh nghiệp sản xuất điện than” – ông Bùi Phạm Khánh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết. /.