Về tổ 2, khu Tân Lập 4, phường Cẩm Thuỷ, TP.Cẩm Phả (Quảng Ninh), hỏi ai cũng biết "ông bà Thi nhổ đinh".
Vợ chồng “ông bà Thi nhổ đinh” mà hàng xóm vẫn gọi đó chính là ông Phạm Văn Thi (81 tuổi) và bà Đinh Thị Ứng (78 tuổi) quê gốc đều ở Giếng Đáy (TP.Hạ Long, Quảng Ninh). Dù đều đã cao nhưng vì các con đều có cuộc sống khó khăn, nên hàng ngày hai ông bà vẫn mưu sinh bằng nghề nhổ đinh từ các miếng ván của công trình xây dựng.
Hàng ngày ông Thi đi nhổ đinh mưu sinh, nhiều hôm đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. (Ảnh: Fb H.T)
Chúng tôi đến thăm hai ông bà vào một ngày mưa tầm tã. Trong căn nhà nằm lọt thỏm trong con ngõ nhỏ sau nhiều dãy nhà cao vút, chúng tôi gặp bà đang vò những mẹt cơm nguội trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ.
Bà vui mừng đón chúng tôi với ánh mắt phấn khởi như lâu rồi mới có khách đến nhà chơi. Khi được hỏi sao lại lấy cơm ra phơi, thì bà nói đó là cơm thừa hàng xóm cho, hoặc thấy người ta treo ngoài đường thì mang về phơi khô bán với giá 4.000 đồng/kg.
Hỏi ông, bà nói: “Hôm nay trời mưa, không có ai gọi đi làm, nên ông vừa đi ra ngoài ngõ”.
Bà kể, ông bà bắt đầu nghề nhổ đinh kiếm sống từ năm 2002. Ngôi nhà nhỏ này là do các con góp tiền xây cho ông bà, đồ đạc trong nhà đều là đồ cũ của các con và của những người chủ thuê ông bà nhổ đinh “khuyến mại” cho ông bà. Bà kể, gia đình ông bà trước đây đều theo nghiệp đi biển. Hiện tại các con đều đã có gia đình riêng và hai anh con trai vẫn theo nghề đi biển. Nhưng hoàn cảnh các con cũng còn khó khăn, vất vả.
Ngôi nhà nhỏ chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi, tủ lạnh cũ các con gái cho, và nồi cơm điện ông bà đi làm được người chủ "khuyến mãi".
Chúng tôi ngồi trò chuyện với bà một lúc thì thấy dáng ông lom khom đi về.
"Bà bị tiểu đường, dạo này sức khỏe yếu nên ở nhà, chỉ có ông đi làm thôi. Ông cũng kêu đau chân lắm nhưng không đi làm, chỉ trông cậy và tiền hỗ trợ hàng tháng thì không đủ tiêu". (Bà Đinh Thị Ứng, vợ ông Thi) |
Ông chia sẻ: Thời kháng chiến chống Pháp, 14-15 tuổi ông từng làm giao liên, đến năm 1943 bị Tây bắt may mắn ông thoát chết. Khi hòa bình lập lại, ông lập gia đình và làm kế toán ngư nghiệp tại Hòn Gai. Ông được nhà nước cử đi học tập ở Liên Xô, nhưng do hoàn cảnh gia đình đông con nheo nhóc nên ông đã không đi mà quay lại với nghề chài lưới của ông cha.
Sau đó, thấy nhà đông con sống trên thuyền nguy hiểm nên hai ông bà quyết dọn vào bờ kiếm kế sinh nhai.
Ông chia sẻ: Hai ngày ông nhổ được 8kg đinh bán với giá 4 nghìn/kg, cộng thêm tiền bồi dưỡng của chủ là 150.000 đồng. Nhưng cứ năm bảy ngày mới có người gọi làm. “Như hôm nay mưa thế này thì lại không ai gọi, ở nhà ngồi không. Không đi làm cứ ngồi nhà trông chờ và tiền trợ cấp ít ỏi thì không đủ chi tiêu”, ông trầm tư.
Ông vừa kể chuyện, vừa trầm tư suy nghĩ.
Ông thường đi làm từ sáng đến tối mới về, bà ở nhà tự lọ mọ nấu nướng. "May chủ thuê họ đến đón chứ già rồi xa quá cũng không đi được", ông cho biết.
Hình ảnh bà cụ 78 tuổi gương mặt hằn sâu những dấu tích của thời gian và nhọc nhằn của năm tháng.
“Mỗi tháng được 700 nghìn đồng tiền trợ cấp cùng với hai anh con trai biếu ông bà được 400 nghìn đồng. Nhưng tiền điện, tiền nước cũng hết gần 600 nghìn đồng rồi nên phải đi nhổ đinh kiếm thêm vài đồng mua đồ ăn với đong gạo”, bà cười hiền nói.
Dù cuộc sống khó khăn thiếu thốn về vật chất nhưng trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, đồ đạc giản đơn, lúc nào cũng luôn ấm áp nụ cười, tình cảm của đôi vợ chồng già.
Tuổi già là giai đoạn mà không một ai khước từ được nó, nhưng điều đặc biệt ở vợ chồng “ông bà Thi nhổ đinh” đó là dù cuộc sống khó khăn nhưng lại luôn vui vẻ, lạc quan thương yêu và chăm sóc lẫn nhau cùng nhau đi qua nó.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch phường Cẩm Thủy, TP.Cẩm Phả cho biết: Hai ông bà đã ngoài 70 tuổi, đã hết tuổi lao động, là hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn phường, và là hội viên của Hội người cao tuổi. Mỗi tháng hai ông bà được nhà nước trợ cấp 700 nghìn/tháng. Hằng năm lễ tết, phường cũng tổ chức hỏi thăm, tặng quà và cũng có chính sách sửa chữa nhà cửa cho hai ông bà.
>>> XEM THÊM: Trung thu "lạ" của trẻ em Hà Nhì