Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên.
Theo Daily Star, Triều Tiên nhiều lần đe dọa nhấn chìm Nhật Bản trong đám mây hạt nhân, với lý do Tokyo “không cần phải tồn tại nữa”.
Bình Nhưỡng cũng 2 lần phóng tên lửa bay qua khu vực phía bắc Nhật Bản. Một trong số tên lửa phóng qua Nhật là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14.
Tên lửa này được cho là có khả năng bắn tới lục địa Mỹ. Vụ phóng tên lửa còn lại chứng minh khả năng tấn công căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Guam.
Trong cả 2 lần đó, Nhật Bản đều không đánh chặn tên lửa Triều Tiên, mặc dù chính quyền địa phương thông báo tình trạng khẩn cấp, yêu cầu người dân gấp rút tìm nơi trú ẩn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe coi Triều Tiên tạo ra mối đe dọa “chưa từng thấy” với an ninh quốc gia.
Nhưng mới đây nhất, Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói tên lửa Triều Tiên không đe dọa lãnh thổ Nhật.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera.
“Những vụ phóng tên lửa của Triều Tiên bay qua Nhật ở tầm rất cao và không có dấu hiệu tên lửa này sẽ rơi xuống lãnh thổ nên chúng tôi đã không hành động”.
Ông Onodera cũng tiết lộ rằng, quân đội sẽ không tìm cách đánh chặn tên lửa Triều Tiên trong tương lai.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ nói Triều Tiên có thể lại phóng tên lửa nhân kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên 10.10.
“Đánh chặn tên lửa đạn đạo của một quốc gia khác như Triều Tiên được coi là hành động quân sự. Trừ khi Triều Tiên có ý định tấn công, còn nếu không sẽ rất khó để chúng tôi hành động”, ông Onodera nói.
Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng Nhật Bản không bắn hạ tên lửa Triều Tiên đơn giản là vì hệ thống phòng không nước này không đủ năng lực.
Dù dự đoán trước khả năng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo nhưng Nhật Bản vẫn không phản ứng bằng cách khai hỏa...