Người dân Quảng Ngãi sấy cau non. Ảnh: C.X
Bà M.N (một chủ cơ sở chế biến cau ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) nói như khóc: "Chuyến hàng vừa rồi, hơn 3 tấn cau chỉ được mua với giá 17.000 đồng/kg, thấp hơn gần cả chục ngàn đồng/kg so với lúc cao điểm trước đó. Đồng thời, gần 1 tấn cau non còn bị phía Trung Quốc ngừng mua và trả về, làm tôi lỗ hơn 100 triệu đồng".
Người dân trèo hái cau. Ảnh: C.X
Những ngày trước, cau tăng giá kỷ lục nên các tư thương lặn lội về tận các vùng sâu, xa thu mua.
Việc "dở chứng" của thị trường Trung Quốc đã làm hàng loạt thương lái, cơ sở thu mua chế biến cau ở Sơn Tây và vùng lân cận bị thiệt hại từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Ông H.Q (chủ cơ sở cau có tiếng ở Sơn Tây, nay đã giải nghệ) bày tỏ: "Ngoài chiêu trò và sự thất thường của thị trường Trung Quốc, việc thị trường cau đột ngột tạm ngừng còn do một phần bởi người buôn mặt hàng này ở địa phương".
Theo ông H.Q, đầu vụ cau năm nay, cùng với thu gom ồ ạt không chê non già, phía Trung Quốc liên tục nâng giá thu mua cau. Vì vậy các thương lái, cơ sở chế biến cau ở địa phương tranh nhau tăng giá mua lên cao ngất ngưỡng để gom hàng, có thời điểm cao tươi lên đến 25.000-27.000 đồng/kg, cao hơn dưới đồng bằng khoảng 5.000 đồng/kg. Vì vậy khi thị trường Trung Quốc "dở chứng" thì nhiều thương lái thiệt hại từ vài trăm triệu cho tới tiền tỷ. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ chính nhiều mặt hàng nông sản khác của người dân miền Trung như dưa hấu, ớt,... Sự bấp bênh của thị trường này đã nhiều lần diễn ra làm nông dân và thương lái trong nước thiệt hại nặng.
Được biết, huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) hiện có khoảng khoảng 1.100ha đất trồng cau.