Trước lo ngại về việc giá thịt heo tại TP.HCM sẽ tăng sau động thái đóng của lò mổ Xuyên Á của TPHCM, Sở Công thương TP đã báo cáo UBND TPHCM triển khai một số giải pháp để bình ổn giá thịt heo trong ngày hôm nay và những ngày tới đây.
Trong khi đó, theo một Bản tin thị trường nông nghiệp tuần của Bộ NNPTNT, hiện giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới cũng đang có xu hướng giảm theo giá lợn.
Sở Công thương TPHCM lo giá thịt heo tăng do khan hiếm hàng từ việc đóng của lò mổ Xuyên Á. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, giá thịt heo trong các ngày 4 và 5.10 tại TPHCM không có nhiều thay đổi. Dự kiến giá thịt heo trong ngày hôm nay 6.10 cũng không có nhiều thay đổi khi giá heo hơi hiện nay chỉ dao động từ 27.000-29.000 đồng/kg.
Không để khan hàng, tăng giá thịt heo
Theo báo Sài Gòn giải phóng: Qua làm việc với các cơ sở, trang trại chăn nuôi heo có quy mô lớn trên địa bàn TP và các tỉnh thì nguồn cung heo hơi hiện nay đang dư thừa và cam kết trong trường hợp TP yêu cầu sẽ sẵn sàng cung cấp, vận chuyển, giao hàng đến tận cơ sở giết mổ theo yêu cầu người mua, không để tình trạng khan hiếm, thiếu hàng xảy ra.
Về công tác đảm bảo năng lực giết mổ thay thế cho cơ sở giết mổ Xuyên Á (khoảng 5.000 con/ngày), Sở Công thương cho biết, cơ sở giết mổ Anh Hoàng Thy tại Đồng Nai đã tham gia Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, chuyên cung cấp thịt heo cho hệ thống phân phối hiện đại, có khả năng tăng thêm 700 con/ngày; Công ty Vissan có thể tăng công suất giết mổ lên 1.300 con/ngày (tăng 200 - 300/con/heo); các cơ sở khác trên địa bàn có khả năng bổ sung 1.500 con/ngày.
Như vậy, tổng công suất tăng thêm từ các cơ sở giết mổ của TP có khả năng kiểm soát là 3.500 con/ngày, thiếu gần 1.500 con. Số lượng này phải nhập từ cơ sở giết mổ của các tỉnh lân cận, chủ yếu là Long An. Tuy nhiên, các cơ sở Anh Hoàng Thy, Vissan chỉ thực hiện giết mổ công nghiệp, chi phí giết mổ cao, chủ yếu cung cấp cho hệ thống phân phối của đơn vị hoặc các hệ thống phân phối hiện đại, không cung cấp ra chợ đầu mối, không ưu tiên cho thuê hoặc gia công giết mổ. Ngoài ra, việc lựa chọn cơ sở giết mổ là do thương nhân, thương lái tự quyết định nên nhiều khả năng họ sẽ không đưa heo vào giết mổ trong các cơ sở trên mà đưa về giết mổ tại những cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn các tỉnh lân cận.
Sở Công thương sẽ làm việc với các siêu thị để xây dựng kế hoạch, tăng sản lượng cung ứng, cam kết không để thiếu hụt hàng hóa và bán đúng giá bình ổn thị trường.
Giá thức ăn chăn nuôi thế giới giảm
Theo nguồn tin Reuters, tại thị trường kỳ hạn Chicago, Mỹ, thị trường ngô và đậu tương biến động trái chiều. Giá bình quân tuần qua của mặt hàng đậu tương tăng 0,4% so với tuần trước đạt mức 967 Uscent/bushel, trong khi đó giá ngô bình quân tuần qua giảm 0,8% xuống mức 350 Uscent/bushel.
Nguyên nhân tăng giá của mặt hàng đậu tương là do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, trong khi nguồn cung ngô dồi dào là yếu tố làm giảm giá mặt hàng này trong những phiên giao dịch gần đây. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo tháng 9.2017, sản lượng khô đậu tương thế giới niên vụ 2017/18 được dự báo đạt 236,55 triệu tấn. Đồng thời, lượng cung cầu của mặt hàng này cũng được dự báo theo bảng sau:
Về thị trường trong nước:
Thị trường thức ăn chăn nuôi hỗn hợp trong nước trong tuần qua diễn ra tương đối ổn định so với tuần trước. Nguyên nhân chính là do nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên thị trường sản phẩm thức ăn chăn nuôi vẫn luôn bị các doanh nghiệp lớn chi phối.
Cụ thể, giá thức ăn cám viên dành cho heo vẫn ổn định ở mức giá 9.800đ/kg và cám đậm đặc là 14.800đ/kg, cám viên dành cho vịt là 9.200đ/kg.
Theo số liệu của Trung tâm Tin học và Thống kê, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 9/2017 ước đạt 259 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 9 tháng đầu năm 2017 lên 2,48 tỷ USD, giảm khoảng 2,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Thị trường nhập khẩu chính của 11 nhóm mặt hàng này trong 8 tháng đầu năm 2017 là Achentina (chiếm 48,4% thị phần), tiếp đến là Hoa Kỳ (8,2%), Trung Quốc (4,5%), Ấn Độ (chiếm 4,3% thị phần). Trong đó, thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Italia (tăng hơn 9 lần) tiếp đến là các thị trường Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan, Achentina với tỷ lệ tăng lần lượt là 78,7%, 15,8%, 11,8%, và 5,9%.
Ngược lại, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Brazil, Thái Lan và TVQ Ả Rập Thống Nhất giảm lần lượt là 47,9%, 23,6%, 18,1%, 13,1% và 3%.
Giá tham khảo các mặt hàng nông sản khác (nguồn Trang Xúc tiến thương mại, Bộ NNPTNT)