Dân Việt

Giá tiêu hôm nay 6.10 mất thêm 1 triệu/tấn, ngành tiêu đối mặt cuộc khủng hoảng mới?

Thiên Ngân 06/10/2017 08:55 GMT+7
Theo khảo sát của phóng viên, giá hồ tiêu tại các vùng nguyên liệu lớn trong ngày hôm nay vẫn chưa thể phục hồi do nhu cầu thị trường thấp, đặc biệt năm nay sản lượng tiêu của Brazil cũng tăng mạnh, họ bán giá rẻ và giao hàng rất nhanh. Theo đó, giá tiêu hôm nay 6.10 nhiều nơi đã giảm về mức 80.000 đồng/kg, thấp nhất trong khoảng 2 tháng qua.

Giá tiêu hôm nay nhiều nơi chỉ còn 80.000 đồng/kg

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay giá hạt tiêu tại thị trường nội địa vẫn đang trong xu hướng giảm. Giá tiêu tại nhiều nơi trong ngày hôm qua đã giảm thêm 1.000 đồng/kg, tương đương với mức giảm 1 triệu đồng/tấn. Tại hầu hết các tỉnh Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay chỉ còn 80.000 đồng/kg như ở Gia Lai, Đắk Nông. 

Tương tự, giá tiêu hôm nay tại khu vực tỉnh Đồng Nai cũng chỉ còn 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, các tỉnh Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu cũng không cao hơn so với ngày 5.10 khi giao dịch ở mức 81.000 đồng/kg.

img

Giá tiêu hôm nay 6.10 nhiều nơi chỉ còn 80.000 đồng/kg. Theo lý giải của các chuyên gia, giá tiêu trong nước liên tục giảm là do phát triển quá ồ ạt, không theo quy hoạch. Ảnh: T.L

Nhu cầu tiêu thụ tiêu đen sẽ tăng 6,1%?

Theo kịch bản lạc quan của Công ty nghiên cứu thị trường Persistence Market Reseach (PMR), thị trường hồ tiêu đen toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) với mức 6,1% trong năm 2017, tương đương giá trị thị trường hơn 3,7 triệu USD. 

Với tốc độ tăng trưởng như vậy, giá trị của thị trường hồ tiêu đen toàn cầu sẽ lên tới 5,7 triệu USD tính đến cuối năm 2024. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tiêu đen xay ngày càng tăng, bởi các nhà sản xuất đang ra sức tạo ra gia vị mới nhằm tăng danh mục sản phẩm trên thị trường. 

img

Thời gian gần đây, nhiều nước châu Âu bày tỏ sự quan tâm đến hạt tiêu đen của Việt Nam. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, PMR cũng đưa ra một dự đoán khác thận trọng hơn, theo đó tốc độ tăng trưởng hàng năm kép của thị trường hồ tiêu đen toàn cầu sẽ đạt 5,9% trong giai đoạn 2017 – 2024, với giá trị thị trường chỉ hơn 115 triệu USD tính đến cuối năm 2024.

Cũng theo PMR, đối với hồ tiêu đen nguyên hạt, nhu cầu sẽ tăng mạnh hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh các nước sản xuất tiêu hàng đầu như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ tăng cường sản xuất hồ tiêu đen chất lượng cao và tinh dầu tiêu.

Năm 2018 tiêu Việt sẽ đối mặt một cuộc khủng hoảng mới?

Ông Đinh Xuân Thu, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, diện tích canh tác tiêu tại huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) cũng như nhiều vùng khác đã tăng rất mạnh, đặc biệt trong năm 2015, tuy nhiên do tình hình thời tiết hiện nay diễn biến bất lợi gây mất mùa nên sản lượng năm 2017 nhìn chung sẽ không thay đổi, tương đương với các năm trước. Tuy nhiên, do diện tích tăng đột biến trong giai đoạn 2015 – 2016 nên theo dự báo, từ năm 2018 trở đi khi diện tích tăng mới cho thu hoạch thì sản lượng có thể có thể sẽ rất lớn, gây áp lực lên thị trường cũng như khiến giá tiêu bị sụt giảm. 

img

Người dân xã Ðắk N'Drung (Ðắk Song) chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Báo Đắk Nông

Đặc biệt, theo ông Thu, tình hình canh tác hồ tiêu của nước láng giềng là Campuchia đã có sự phát triển rất mạnh, đặc biệt là nông dân trồng hồ tiêu của Campuchia có rất nhiều người có tiềm lực tài chính rất mạnh, với vườn tiêu có diện tích từ vài chục đến cả trăm hecta. Do tình hình thời tiết có sự tương đồng với Việt Nam nên có thể giá cả sụt giảm trong thời gian vừa qua là do tác động từ nguồn cung của Campuchia, chứ không hẳn hoàn toàn là do sản lượng Việt Nam tăng mạnh.

Điều đáng chú ý, cây hồ tiêu của Campuchia đang và sẽ phát triển chủ yếu theo mô hình trang trại, diện tích tập trung và canh tác theo quy trình công nghệ cao theo hướng GAP, có rất ít mô hình sản xuất nhỏ theo hộ gia đình nông dân như Việt Nam. Chính vì thâm canh theo hướng hữu cơ, bền vững (không lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, chất kích thích, khai thác tài nguyên tối đa để tăng năng suất) nên năng suất hồ tiêu của Campuchia không cao, tuy nhiên chất lượng tiêu thì hơn hẳn Việt Nam.

Từ thực trạng đó ông Thu cho rằng VPA nên có các biện pháp tháo gỡ khó khăn như: Kiến nghị về việc xây dựng quy chuẩn về phương pháp canh tác để phổ biến rộng khắp cho nông dân. Kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp định hướng đa dạng cơ cấu cây trồng, đa dạng nguồn thu để trong trường hợp sụp đổ giá thì thu nhập của nông dân sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, từ đó tăng sức chịu đựng cũng như khả năng cạnh tranh của hồ tiêu Việt Nam về lâu dài và đảm bảo duy trì nguồn cung cho thị trường.

Bên cạnh đó, VPA cũng như Bộ NN&PTNT nên có sự khảo sát đánh giá đúng về năng lực sản xuất của Campuchia, để từ đó có biện pháp cạnh tranh.