Dân Việt

LẠ MÀ HAY: Cho lươn ăn thêm Vitamin C, thu nhập phát mê

Trọng Hoàng 06/10/2017 13:15 GMT+7
Anh Nguyễn Thanh Tùng, ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện có 18 bể xi măng nuôi lươn. Ngoài thức ăn công nghiệp và trùn quế, anh Tùng còn cho lươn ăn thêm Vitamin C. Từ nuôi lươn thịt thương phẩm và nhân nuôi lươn bán giống, anh Tùng "bỏ túi" 700 triệu đồng/năm..

Năm 2015, anh Nguyễn Thanh Tùng (ấp Hội Mỹ, xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu nuôi lươn. Tuy nhiên, do chưa nắm được kỹ thuật về chọn giống và chăm sóc nên lươn phát triển không đều, tăng trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp, khiến lứa nuôi đầu tiên bị lỗ nặng.

Không nản lòng, sau khi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, anh Tùng quyết định đầu tư trang trại nuôi lươn tại xã Phước Hội. Hiện cơ sở nuôi lươn của anh Tùng có 18 bể xi măng để nuôi thương phẩm, mỗi bể có diện tích 5m2, phía trên có mái che, hệ thống cấp thoát nước.

img

Anh Nguyễn Thanh Tùng (phải) đang kiểm tra lươn thịt thương phẩm trong 1 bể nuôi. 

Để dễ tiêu thụ sản phẩm, anh Tùng không thả nuôi đồng loạt. Trong bể nuôi có nhiều cỡ lươn, có loại chuẩn bị xuất bán nhưng cũng có loại vừa mới 15 ngày tuổi.

Theo anh Tùng, để nuôi được 1 kg lươn thương phẩm, tiêu tốn 1,2 kg thức ăn, trong đó 70% thức ăn công nghiệp và 30% là trùn quế do gia đình tự sản xuất. Ngày cho lươn ăn một lần vào buổi chiều tối, trong quá trình nuôi thường xuyên bổ sung Vitamin C và các khoáng vi lượng vào thức ăn để tăng sức để kháng và kích thích tiêu hóa cho lươn. Sau 8-10 tháng nuôi, lươn có thể cho thu hoạch. Với trọng lượng trung bình 5-6 con/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi con lươn bán ra, anh Tùng lãi khoảng 15.000 đồng. Một năm, trang trại của anh Tùng xuất bán khoảng 6.000kg lươn thịt.

img

Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, trong quá trình nuôi lươn, người nuôi thường xuyên bổ sung Vitamin C và các khoáng vi lượng vào thức ăn để tăng sức để kháng và kích thích tiêu hóa cho lươn.

Nhận thấy con giống quyết định thành công đến 80% và để chủ động trong sản xuất, anh Tùng học hỏi qua bạn bè, tìm hiểu qua sách báo rồi đầu tư làm 2 bể nuôi lươn sinh sản. Hiện cơ sở của anh Tùng đang nuôi khoảng 600 cá thể lươn bố mẹ để cung cấp giống cho trang trại và xuất bán ra thị trường. Với giá khoảng 4.000 đồng/con lươn giống, anh Tùng có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ việc bán con giống.

Với mô hình nuôi lươn thương phẩm và sản xuất con giống, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình anh Tùng khoảng 700 triệu đồng. Anh Tùng cho biết, sắp tới sẽ mở rộng quy mô cả nuôi thương phẩm và sản xuất giống, liên kết cung cấp con giống và chuyển giao kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm cho bà con có nhu cầu nuôi lươn trên địa bàn tỉnh.