Hồi sinh cuộc đời
Năm 2008, tôi từng gặp Toán tại quê nhà của anh ở thôn Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Ngày đó, khi một cán bộ xã Hải Vĩnh gọi điện cho tôi, bảo địa phương có một thanh niên từng là trùm giang hồ và đang nhiễm HIV giai đoạn cuối, vừa cưới vợ là một cô gái trẻ khỏe và đức hạnh, tôi lập tức tìm về.
Anh Toán và vợ. |
Cảm phục trước thiên tình sử của Toán và cô gái, tôi đã viết phóng sự “Trùm giang hồ và cổ tích tình yêu” đăng trên Báo NTNN vào tháng 12.2008. “Bài báo giúp vợ chồng mình được nhiều người động viên, giúp đỡ, nên có thêm nghị lực để gây dựng cơ nghiệp”- Toán kể.
Hồi sinh nhờ tình yêu
Sau gần 3 năm gặp lại, Toán vẫn khỏe mạnh, thân thể rắn chắc không khác nào một thanh niên chuyên nghiệp luyện võ. Nhìn Toán không ai ngờ gần 4 năm trước, anh đã nhiễm HIV giai đoạn cuối với thân thể lở loét, tiều tụy.
Tôi chưa kịp hỏi han thì Toán đã phấn khởi khoe việc làm ăn khấm khá của mình. So với năm 2008, Toán có rất nhiều cái mới, đáng kể nhất là từ hai bàn tay trắng anh đã trở thành ông chủ của một cơ sở đúc chậu cảnh lớn ăn nên làm ra ở TP. Đông Hà. Với một người bình thường, thành tích đó đã đáng nể, huống hồ anh từng là một người cận kề cái chết đứng dậy xây dựng cơ nghiệp.
Năm 2007, Toán từ miền Nam trở về nhà để sống những ngày cuối đời khi căn bệnh HIV trong anh bước vào giai đoạn cuối. Đây là hậu quả của những chuỗi ngày anh sa chân vào băng nhóm giang hồ khét tiếng “Quạ đen” ở Phú Riềng (Phước Long, Bình Phước).
Một thời gian dài làm đại ca của băng “Quạ đen”, cùng đồng bọn thực hiện hàng loạt cuộc thanh toán đẫm máu để kiếm tiền chích hút ma túy, Toán và 12 đàn em của mình bị lây nhiễm HIV. Khi băng “Quạ đen” bị công an triệt phá, Toán và đám đệ tử bị đưa vào trại cải tạo nhưng rồi được cho ra trại ngay sau đó do sự sống chỉ còn tính bằng ngày.
Sau nhiều lần tìm đến cái chết nhưng bất thành, Toán trở về nhà nhờ gia đình lo hậu sự. Nhưng rồi tình yêu kỳ diệu của người con gái Huế Lê Thị Tường Vân và sự quan tâm chia sẻ của nhiều người đã giúp anh có nghị lực sống để chiến thắng bệnh tật.
Từ khi Vân bỏ ngoài tai sự khuyên ngăn và cả sự dọa dẫm của gia đình, họ hàng để làm đám cưới với Toán vào ngày 13.11.2008, cuộc đời anh bắt đầu hồi sinh mãnh liệt. “Nhiều năm liền mặc dù mang bệnh “ết” nhưng rất ít khi mình ốm đau. Vui nhất là giờ vợ chồng mình đã có con nuôi, con mình ngoan lắm”- Toán kể.
Bước vào thương trường
Gần 3 năm nay, Toán nổi tiếng khắp Quảng Trị cũng như khu vực Bắc miền Trung bởi những mẫu chậu cảnh độc đáo. Thị trường không ngừng được mở rộng nên doanh thu ngày càng được nâng cao. Toán bảo, nghề làm chậu cảnh đã giúp anh khẳng định mình trên thương trường và tạo điều kiện để anh giúp đỡ những người nghèo khó và những người cùng cảnh ngộ.
Cơ sở đúc chậu cảnh của Toán trên đường Lê Thánh Tông, TP. Đông Hà. |
Ngay sau khi cưới vợ, Toán mở xưởng làm chậu cảnh, bình hoa ngay tại nhà để tạo công ăn việc làm cho mình. Những chậu cảnh do anh làm được mọi người khen đẹp và mua về trưng. Hữu xạ tự nhiên hương, tên tuổi của Toán và những sản phẩm của anh nhanh chóng được nhiều người trong tỉnh biết đến. Không bao lâu sau ngày cơ sở của Toán đi vào sản xuất, sản phẩm đã được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh.
Sau khi tạo được sản phẩm uy tín trên thị trường, Toán bắt đầu nghĩ đến việc giúp đỡ những người nghèo khổ. Anh đầu tư mở rộng xưởng để đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho gần 10 người dân nghèo trong vùng. Những nông dân chân lấm tay bùn sau một thời gian được Toán dạy nghề đã nắm vững kỹ thuật đúc chậu cảnh. Tất cả những “chiêu độc” trong nghề Toán học hỏi từ nhiều nơi lần lượt được anh truyền dạy cho học trò. Ngoài được truyền nghề miễn phí, lao động tại cơ sở của anh còn được trả công cao, nên có điều kiện để thoát nghèo.
Một thời gian sau, Toán quyết định vay vốn ngân hàng di dời cơ sở đúc chậu cảnh của mình lên TP.Đông Hà để việc sản xuất kinh doanh thêm phần thuận lợi, nhất là để có điều kiện tiếp sức cho những người cùng cảnh ngộ. Được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội Quảng Trị cho vay vốn, Toán triển khai làm chậu cảnh quy mô lớn. Anh là người đầu tiên trong số những người nhiễm HIV ở tỉnh Quảng Trị mạnh dạn lập dự án vay vốn mở cơ sở sản xuất.
Chỉ tay vào những chậu cảnh bắt mắt với những họa tiết tinh xảo, Toán bảo sở dĩ sản phẩm của anh có thể “làm mưa làm gió” trên thị trường là do được thiết kế độc đáo, không “đụng hàng” với sản phẩm của bất cứ cơ sở nào. Tất cả chậu cảnh đều được đúc theo mẫu anh kỳ công thiết kế bằng máy tính nên sản phẩm nào cũng hoàn hảo. Vì vậy, hàng ngày trong khi nhiều cơ sở đúc chậu cảnh ở Đông Hà ế ẩm thì cơ sở của Toán luôn tấp nập khách đến mua, đặt hàng.
Hiện cơ sở đang giải quyết việc làm cho gần 10 lao động với thu nhập từ 4,5- 7,5 triệu đồng/ người/ tháng. “Mình đang đi đến nhiều nơi để gặp những người nhiễm HIV mời họ về cơ sở của mình để học nghề và làm việc. Dự kiến thời gian tới cơ sở sẽ tạo việc làm cho khoảng 50 lao động”- Toán kể, đôi mắt ánh lên niềm tự tin.
Không sống cho riêng mình
Sau khi có chỗ đứng trên thương trường, Toán tích cực đứng ra giúp đỡ những người bị HIV ở Quảng Trị. Với cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Yêu Thương, anh thường xuyên tư vấn cho cộng đồng về HIV, phát quà cho người nhiễm HIV ở bệnh viện, đến từng nhà chăm sóc người bệnh. Khó có thể ngờ được rằng, Toán đã dành phần nhiều thu nhập của mình để làm kinh phí cho những việc làm ý nghĩa này.
Anh Nguyễn Viết Toán
Toán kể, tính cách của những người bị nhiễm HIV rất thất thường. Muốn hòa hợp với họ, phải lắng nghe tâm tư, tìm hiểu tính tình, thói quen của từng người để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. “Quan trọng nhất là việc làm của mình phải xuất phát từ sự bao dung, chân thành”- Toán tâm sự.
Với suy nghĩ đó, Toán luôn có mặt kịp thời động viên, an ủi khi các bệnh nhân đau ốm, muộn phiền. “Họ thường phải chịu sự xa lánh, kỳ thị nghiệt ngã từ cộng đồng, thậm chí từ chính những người thân thiết, ruột thịt. Đó chính là nguyên nhân dồn đẩy họ vào tâm trạng cùng quẫn, bế tắc, dẫn đến phản ứng tiêu cực như trả thù đời”- anh cho biết.
Toán khẳng định rằng, kỳ thị và không hiểu về HIV thì có sự giải thích và tuyên truyền rồi người ta sẽ hiểu. Điều khiến anh trăn trở nhất trong việc hỗ trợ người nhiễm HIV chính là việc làm. Phải có việc làm, họ mới đảm bảo được cuộc sống của mình, mới có niềm tin để sống. Chính vì thế mà anh chưa bao giờ thấy mệt mỏi trong hành trình tạo việc làm cho những người nhiễm HIV trên địa bàn.
An Sơn