Dân Việt

Vincent Tan - ông chủ Tập đoàn Berjaya là ai?

Trang Nguyễn (tổng hợp) 09/10/2017 06:30 GMT+7
Con đường gây dựng sự nghiệp của tỷ phú Vincent Tan, Chủ tịch Tập đoàn Berjaya (Malaysia), người có hàng loạt dự án đầu tư tại Việt Nam không được "trải hoa hồng". Ông nổi tiếng đi lên từ nghèo khó và cũng đã trải qua nhiều thất bại đắng cay mới có được thành công như hiện nay.

img  

Chân dung tỷ phú Vincent Tan, Chủ tịch Tập đoàn Berjaya 

Đối với giới doanh nhân Việt Nam, Vicent Tan không phải là cái tên xa lạ, trái lại còn rất quen thuộc. Vincent Tan là tỷ phú gốc Hoa sinh năm 1952 ở Malaysia. Dưới bàn tay gây dựng của tỷ phú này, Berjaya từ một công ty bảo hiểm nhỏ bé ở Malaysia đã trỗi dậy và lấn sân sang các lĩnh vực xổ số, dịch vụ ăn uống, tài chính, chứng khoán, du lịch và bất động sản rồi trở thành một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất châu Á. Trong khi đó, bản thân Vincent Tan cũng trở nên giàu có và sở hữu khối tài sản trị giá hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, ít ai biết, con đường gây dựng sự nghiệp của tỷ phú Vincent Tan, không được "trải hoa hồng". Ông nổi tiếng đi lên từ nghèo khó và cũng đã trải qua nhiều thất bại đắng cay mới có được thành công như hiện nay.

Theo truyền thông Malaysa, do gia đình không có điều kiện nuôi Vincent Tan ăn học đại học nên năm 17 tuổi, ông phải tự mưu sinh bằng hai bằng tay trắng để kiếm sống. Ban đầu, ông Tan xin được chân thư ký trong một ngân hàng, sau đó là nhân viên môi giới bảo hiểm quốc tế trước khi mua lại cổ phần công ty Berjaya Industrial Berhard (được biết đến với tên Berjaya Kawat Berhad) và lập nên Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad năm 1984.

Tiếp sau đó, ông thực hiện hàng loạt thương vụ M&A như mua lại 70% cổ phần công ty xổ số Sport Toto vào năm 1985. Đến năm 1990, ông Tan đã nắm giữ 100% cổ phần của Sport Toto. Thương vụ này thành công được là nhờ mối quan hệ mật thiết giữa Tan với chính phủ, cụ thể là với nguyên thủ tướng Malaysia Mahathir Maohamad.

Sport Toto sau này trở thành Berjaya Land Berhad, một trong những công ty con lớn nhất của tập đoàn Berjaya. Berjaya Land Berhad hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, sòng bạc, giải trí. Đây cũng là công ty nắm giữ hầu hết các dự án đã và đang triển khai tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của tập đoàn này luôn kèm theo một số vốn "khủng" dàn trải từ Bắc vào Nam của Việt Nam. Đến nay, ước tính, tập đoàn Berjaya đã đầu tư 9 dự án lớn tại Việt Nam với số vốn đăng ký lên tới 9,98 tỷ USD.

Ngoài ra, Berjaya còn mua lại hoặc đầu tư xây dựng những khách sạn ở Singapore, London và Sri Lanka, kinh doanh xổ số ở Philippines, tổ chức bán hàng trực tiếp thông qua hệ thống bán lẻ Cosway tại Thái Lan, Hong Kong, Indonesia, Đài Loan và Ấn Độ. Ước tính, trên toàn thế giới, Berjaya có khoảng 100 công ty con và chi nhánh, với hơn 30.000 nhân viên. Hiện nay tập đoàn có 9 công ty con được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Malaysia (Bursa Securities). 

Đặc biệt ở lĩnh vực xổ số, Tan được mệnh danh là "Vua xổ số".  Đầu năm 2016, Tập đoàn Berjaya đã vượt qua 5 tập đoàn quốc tế khác và được cấp phép đầu tư cho dự án hợp tác với Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).

Theo đó, tập đoàn được độc quyền đầu tư và kinh doanh lĩnh vực xổ số điện toán trên toàn quốc trong thời hạn 18 năm. Giao dịch ước tính trị giá 210,6 triệu USD.

Tại Hội thảo What’s next 2016 tại Kuala Lumpur vào ngày 30.07.2016, ông trùm Vincent Tan đã chia sẻ về những thất bại đắng cay của ông trên con đường gây dựng sự nghiệp thành công như hiện nay.

Cụ thể, Vincent Tan cho hay hầu hết các doanh nghiệp mới mà ông đã đầu tư khoảng 200 triệu Ringgit (tương đương khoảng 50 triệu đô la Mỹ) năm 2000 đều thất bại. 

“Nhiều người không tin điều này nhưng tôi thật sự đã đầu tư 200 triệu Ringgit và gần như đã mất trắng”, vị tỷ phú cho biết.

“Các bạn biết không, các doanh nghiệp sẽ đến và kêu gọi đầu tư từ các bạn, bạn không chắc chắn rằng liệu các doanh nghiệp đó có thực sự sẽ hoạt động hay không, và rồi bạn đầu tư một triệu ở đây, mấy trăm ngàn ở đó. May mắn, có một số doanh nghiệp tồn tại, hoạt động ổn bởi những doanh nghiệp này giúp Vincent thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, ông Tan cũng chia sẻ một số bài học mà ông học được từ dự án Nasdaq kéo dài 19 tháng của MOL Global trước khi công ty của ông quyết định hủy niêm yết trên sàn này.

“3 năm trước khi niêm yết, MOL đã đến rất nhiều quốc gia và mua lại các công ty trong nước. Kết quả không quá tệ, thế nên chúng tôi nghĩ chúng tôi đã sẵn sàng đưa công ty ra công chúng”, ông cho hay.

“Nasdaq rất khắt khe trong việc tuân thủ quy định và số liệu, và chúng tôi có vấn đề kế toán ở thị trường nước ngoài như Việt Nam, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đã sắp xếp mọi thứ và niêm yết, nhưng vấn đề lại lặp lại” ông nói.

Từ những bài học trong quá khứ, vị tỷ phú từng khuyên các nhà khởi nghiệp không nên vội vàng bỏ công ty của mình.

"Tôi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội do bán công ty sớm. Đừng bán quá sớm, bạn sẽ nhận giá trj thấp hơn”, ông nói.

Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng đôi khi các nhà khởi nghiệp có thể không có sự lựa chọn, nếu họ không tăng vốn, doanh nghiệp của họ cũng sẽ sớm đi vào ngõ cụt.