Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu giải quyết và VTC Corp đã liên lạc với chủ sử dụng đề nghị thanh toán tiền lương cho người lao động, đồng thời gửi tiền ăn hỗ trợ người lao động.
Lý giải nguyên nhân chậm lương, ông Nguyễn Trung Trực- Tổng Giám đốc VTC Corp cho hay, do một số lao động không tuân thủ kỷ luật và nội quy của công ty đề ra, làm hỏng máy móc, không thực hiện việc chấm công đầy đủ nên chủ sử dụng đã thông báo sẽ trả lương sau khi hoàn tất việc rà soát.
Tới 10.10, ông Nguyễn Trung Trực thông báo, toàn bộ 19 lao động đã đi làm trở lại sau khi chủ sử dụng lao động khẳng định sẽ thanh toán lương trước ngày 20.10 và từ các tháng tiếp theo, tiền lương sẽ trả trong các ngày 10-20 hàng tháng.
Bên cạnh việc chậm lương, công điện gần đây nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Ảrập Xêút gửi về Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, tính từ tháng 9.2010 đến nay đã có 28 lao động người Việt Nam bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ do trốn ra ngoài, ăn cắp vật liệu xây dựng. Trong đó, 3 người bị kết án, 25 người khác đang chờ xét xử.
Điều đáng nói là khi lao động bị nợ lương, bị vướng vòng lao lý, các doanh nghiệp ngại thông báo về gia đình, sợ gây hoang mang. Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã có chỉ đạo các doanh nghiệp XKLĐ phải thông báo cho gia đình lao động các vấn đề phát sinh để phối hợp giải quyết.
Liên quan tới thị trường lao động này, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo các doanh nghiệp tuyệt đối không đưa tiền đặt cọc, môi giới trước khi ký hợp đồng tuyển dụng và trước khi chủ sử dụng lao động cung cấp thị thực lao động cho phía doanh nghiệp Việt Nam.
Khi nhận được thị thực lao động rồi cũng cần kiểm tra cẩn thận xem thị thực đó là thật hay giả. Chỉ cho người lao động xuất cảnh khi nhận được thị thực lao động (Employment Visa). Thị thực du lịch (Tourist Visa) hoặc thị thực thăm thân (Visit Visa) chỉ được phép lưu lại UAE 30 ngày.
Hà An- Huyền Lê