Dân Việt

Từ bán củi 2,5 ngàn/ gánh, qua nuôi lợn, trồng keo lãi 1.2 tỷ/năm

Liễu Chang 12/10/2017 06:45 GMT+7
“Trước nhà tôi nghèo nhất ở đây” đó là chia sẻ của ông Lại Hữu Chắn, Tổ 4, phố Long Tiên, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, lập gia đình khi chưa có gì trong tay, hai vợ chồng hàng ngày đi hái củi bán, và ít ai ngờ rằng vợ chồng bán củi năm xưa giờ đây thu nhập 1.2 tỷ một năm.

Một thời cùng cực...

Dáng người cao cao, đậm đậm, tóc như đã bạc gần hết niềm nở đón chúng tôi. Ông Lại Hữu Chắn khoe: “Tôi vừa mua được 128ha rừng keo của Lâm trường ở Bình Liêu để khai thác nên nhà không có ai ở, các con đi rừng hết rồi”.

Hiện tại sống trong ngôi nhà mới khang trang, ông vẫn luôn nhớ về thời cùng cực nhất cuộc đời mình. Sinh ra trong một gia đình người Tày đông anh em tại xã miền núi Hà Lâu, nơi có điều kiện kinh tế, sinh hoạt và đi lại còn rất khó khăn. Lập gia đình với hai bàn tay trắng, hai vợ chồng ông ngày ngày lên rừng hái củi bán, chỉ lo không có gì bỏ vào nồi, ăn bữa nay, lo bữa mai. Ông kể: “Hồi đó gánh củi có 2 nghìn rưỡi, 28 Tết hái được 10 gánh củi bán được 25 nghìn mới có tiền mua cân thịt cho các con ăn”.

img

Ông Chắn kể lại cuộc sống vất vả, thiếu thốn trước đây mà hai vợ chông ông đã trải qua.

“Nhà đông con, suốt ngày phải cõng con trên lưng vào rừng hái củi, làm lụng mãi vẫn không đủ ăn. Nhà mưa to một chút là ngập, cái thời đấy khổ lắm”, ông tâm sự. Không bằng lòng với số phận, ông quyết vượt lên nghèo đói. Với ý chí quyết tâm, dám nghĩ dám làm năm 2000 ông bàn với vợ con “liều mình” vay tiền mua 20 con lợn thịt về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, và “trời thương”, đàn lợn 20 con của gia đình ông lớn nhanh và không ốm nên năm đó ông bán lợn thu được tiền trả nợ và trang trải cuộc sống.

Không bằng lòng với những khởi đầu vừa đạt được, năm 2009 ông Chắn đã quyết liều thêm lần nữa, thế chấp hai sổ đỏ của gia đình để vay 500 triệu đồng từ ngân hàng chính sách để đầu tư mua ô tô. Ông kể: “Hồi tôi thế chấp sổ đỏ vay tiền ngân hàng, hàng xóm ai cũng bảo vay như thế thì chỉ có bán nhà bán đất đi thôi”. “Ban đầu cũng sợ thất bại lắm nhưng vẫn quyết làm, nghĩ đến đâu làm đến đó, ai ngờ thành công”, ông cười.

img

Đầm ao nuôi tôm 4ha của gia đình ông vừa được thả cua.

Năm 2010, ông gom góp và vay thêm tiền mua thêm 2 ô tô tải để chở keo khai thác và chở vât liệu xây dựng cho bà con. Năm 2015, ông tiếp tục đầu tư mua 4ha đầm nuôi để nuôi tôm. Ông cho biết: Nuôi tôm nhưng do điều kiện khí hậu không thuận nên tôm chết hết. Hiện nay, 4ha đầm nuôi của gia đình ông đã chuyển sang nuôi cua và nếu thuận lợi sẽ cho thu hoạch vụ cua đầu tiên vào đầu cuối năm.

Thành công nhờ dám nghĩ, dám làm

Hiện nay, gia đình ông có 3 ô tô tải chuyên chở keo và vật liệu xây dựng, hơn 4ha đầm nuôi cua, đồng thời ông còn sở hữu hơn 8ha rừng keo và hơn 2 ha rừng tự nhiên. Ông cho biết: Cây keo cho thu hoạch sau 6 năm trồng và chăm sóc, chăm sóc cây keo không khó, mỗi năm chỉ cần tu bổ một lần. Gia đình ông cũng vừa mua được hơn 120 ha keo đang tuổi khai thác tại Bình Liêu. Các con của ông và 30 công nhân hàng ngày khai thác keo tại đây. Keo sau khi khai thác sẽ được chở về điểm thu mua tại cảng Núi Chùa để sản xuất giấy. Cùng với các hoạt động kinh doanh vận tải, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 1.2 tỷ/năm sau khi trừ hết các chi phí.

img

Ông cho biết, trồng keo không mất nhiều vốn cũng như chăm sóc, mỗi năm chỉ cần tu bổ, phát quang một lần.

Khi được hỏi về động lực thôi thúc ông mạo hiểm thế chấp tài sản để vay tiền đầu tư, ông chia sẻ: “Khổ quá, muốn vươn lên thoát nghèo, nghĩ đến đâu làm đến đó, đồng thời học hỏi từ mọi người xung quanh”.

Ông Chắn cho biết: Thời gian tới, sau khi trả hết nợ ông sẽ mua một cái máy xúc để nạo vét đầm nuôi và mở đường cho xe vào khai thác keo tại khu vực đồi cao. Đồng thời ông còn có tham vọng muốn tự mở một xưởng xát gỗ nhưng đang thiếu vốn và thiếu nguồn nhân lực.

Mô hình kinh tế của gia đình ông đang tạo công ăn việc làm và thu nhập nhập ổn định cho hơn 35 người. Xuất phát điểm là một chữ o tròn trĩnh và vượn lên có cuộc sống như ngày hôm nay nên ông luôn đồng cảm, thấu hiểu với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống xung quanh. Ông luôn nhiệt tình giúp đỡ, trao đổi truyền đạt kinh nghiệm cho các hộ dân trên địa bàn.

Với những gì đã và đang làm được, ông được các cấp chính quyền hàng năm tặng giấy khen, bằng khen với thành tích vươn lên làm giàu. Đặc biệt năm 2017, ông là một trong nhiều hộ gia đình đạt danh hiệu mô hình SXKD giỏi cấp tỉnh.