Giá lợn hiện chỉ còn 25.000 đồng/kg
Bộ NNPTNT thông tin, đến tháng 9, số đầu lợn trên cả nước đã giảm 10% so với cùng kỳ. Ngoài khủng hoảng sau thời gian dài rớt giá, một nguyên nhân khiến nông dân bỏ chăn nuôi lợn là dịch lở mồm long móng đang xuất hiện tại một số tỉnh như Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu, Hà Tĩnh...
Giá lợn hơi hôm nay 11.10 vẫn ở mức thấp, chỉ còn 25.000 đồng/kg (Trong ảnh: Ông Trần Duy Hưng chăm sóc đàn lợn còn lại tại trang trại của gia đình ở huyện Đan Phượng (Hà Nội).
Ảnh: Trần Quang
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, nếu năm nay có 900.000 nông hộ bỏ chăn nuôi do giá lợn liên tục giảm thời gian qua, tức là số hộ bỏ nuôi đã chiếm gần 1/3 số hộ chăn nuôi hiện tại (khoảng hơn 3 triệu hộ). “Có thể là do người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay không chịu nổi trước tình trạng giá lợn liên tục giảm, dẫn đến thua lỗ, phá sản nên phải treo chuồng” - ông Đoán nhìn nhận.
Nói về hệ lụy, ông Đoán cho rằng, việc số hộ bỏ chăn nuôi quá lớn sẽ khiến cho lực lượng lao động ở nông thôn bị dư thừa, nhất là những lao động đã lớn tuổi không đi làm được tại các công ty, xí nghiệp hoặc các việc nặng khác. “Riêng địa bàn Đồng Nai, hiện có mấy chục nghìn hộ chăn nuôi, song theo đánh giá của chúng tôi có khoảng 40% nhỏ, lẻ đã bị phá sản. Đây là vấn đề rất cấp bách đặt ra cho chính quyền địa phương trong công tác tạo công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh trật tự” - ông Đoán khẳng định.
Ông Đoán cũng cho biết, sau vụ phát hiện gần 4.000 con lợn bị tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á ở TP.HCM, giá lợn hơi tại địa bàn Đồng Nai đã giảm xuống chỉ còn khoảng từ 25.000 - 27.000 đồng/kg.
Từng là một trong những trại lợn lớn ở huyện Đan Phượng, nhưng đến nay trại lợn của ông Trần Văn Minh đã bỏ trống chuồng. Hiện, số tiền nợ lãi, thức ăn, thuốc thú y của gia đình ông đã lên đến cả trăm triệu đồng, song vợ chồng ông Minh không còn khả năng trả. Bởi lẽ trong gần 2 năm trở lại đây, khi giá lợn xuống thấp, để cầm cự chờ giá lên, vợ chồng ông đã bán hết các tài sản đáng giá lấy tiền mua cám cho lợn ăn nhưng vẫn không cứu vãn được tình trạng thua lỗ.
“Tôi trắng tay thật rồi, chả còn gì cả, hai vợ chồng lại quá tuổi lao động, không công ty nào tuyển làm nên đến giờ đành trông chờ vào chính sách giúp đỡ từ phía nhà nước thôi” - ông Minh ngậm ngùi chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên NTNN tại nhiều vùng chăn nuôi lớn của Hà Nội, đến thời điểm này nhiều hộ cũng đã phá sản, treo chuồng hoặc đã chuyển sang mô hình chăn nuôi khác, một số hộ đã dời nhà đi làm ăn xa cũng bởi do giá lợn xuống quá thấp.
Hộ chăn nuôi bỏ nghề, doanh nghiệp lớn không giảm đàn
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, đến thời điểm này chưa có con số chính xác về số hộ bỏ nuôi lợn. Bởi lẽ con số mà các tỉnh báo cáo cũng chưa chính xác, có tỉnh báo cáo, có tỉnh không báo cáo nên Cục Chăn nuôi không nắm được cụ thể.
Cũng theo ông Trọng, hiện các tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn như C.P không có động thái giảm đàn, trong khi các doanh nghiệp có đàn lợn rất lớn (cả đàn nái và đàn thịt). “Chúng tôi không nắm được số lượng đàn lợn của họ là bao nhiêu. Dù chúng tôi cũng hay làm việc, trao đổi nhưng họ chỉ nói chung chung. Mặc dù họ vẫn có kế hoạch sản xuất hàng năm nhưng họ không thông tin lại nên rất khó quản lý” - ông Trọng cho hay.
Theo ông Trọng, cần phải xác định trong chăn nuôi, kể cả gia cầm, cũng có lúc thăng, lúc trầm. Điển hình như việc chăn nuôi lợn, trong thời gian dài từ 2011 đến đầu 2016, giá lợn liên tục tăng cao, có thời điểm tăng đến 52.000 đồng/kg, thì từ cuối năm 2016 đến giờ, giá lợn mới trầm xuống. Trong khi đó, tỷ lệ chăn nuôi lợn chiếm thị phần cao trong chăn nuôi (73%) nên khi giá lợn giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến nhiều đối tượng.
"Theo dự đoán của tôi, nếu số lượng lợn giảm đi thì giá lợn từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ tăng, song mức tăng sẽ không đột biến như thời gian trước" – ông Trọng cho biết.
Khó khăn tiêu thụ lợn ở nội địa và giá thấp, trông chờ hiện nay của nhiều người chăn nuôi là xuất khẩu thịt lợn. Về định hướng xuất khẩu thịt lợn, ông Nguyễn Đức Trọng cho hay: Hiện, Bộ NNPTNT đang rất sát sao và quyết tâm, tìm mọi cách để tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn mảnh, thịt lợn đông lạnh như việc xuất khẩu sản phẩm thịt gà sang Nhật Bản đầu tháng 9.2017 vừa qua.
“Bộ đang định hướng xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh và sản xuất nhằm giảm giá thành sản phẩm, tham gia được vào các thị trường xuất khẩu thịt lợn mảnh, đông lạnh như châu Âu… Đây là vấn đề cấp bách nên Bộ cũng đang rất quyết tâm thực hiện.
“Hiện chúng ta mới xuất khẩu được khoảng 40.000 tấn thịt lợn/năm, tập trung chủ yếu vào 8 doanh nghiệp đang tham gia lĩnh vực này ở Hải Dương, Hải Phòng...” - ông Trọng tiết lộ.
Ông Trọng cho biết thêm, hiện ở Đồng Nai đã xây dựng được 2 vùng an toàn dịch bệnh với một số bệnh trên gà ở 2 huyện. Đối với lợn, muốn xuất khẩu được chúng ta phải sản xuất theo chuỗi và xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2017, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá thịt lợn hơi ở mức thấp và biến động thất thường nên người nuôi chưa yên tâm tái đàn. Đàn lợn cả nước tính đến tháng 9 giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý III đạt 521,9 nghìn tấn, giảm 2,3%. |