Dẫu vậy, trong tổng số 133 dự án được UBND TPHCM kêu gọi đầu tư vào TP.HCM sáng nay 11.10, chỉ có … 3 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực NNCNC ở TP.HCM vẫn chiếm số lượng rất nhỏ, không đáng kể
Trong đó, dự án đầu tư mở rộng khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Vĩnh An (Củ Chi, TP.HCM) với vốn đầu tư từ ngân sách TP.HCM 100 tỷ đồng và vốn kêu gọi xã hội hóa 148 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2018, trên diện tích khoảng 23,3ha.
Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM thông tin, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư vào dự án này gồm trình diễn công nghệ mới, thử nghiệm giống, công nghê sơ chế, bảo quản rau củ quả nhưng không bao gồm chế biến.
Còn dự án Khu Nông nghiệp Công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ là dự án đầu tư xây dựng mới bằng nguồn vốn ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư hơn 498,8 tỷ đồng. Dự án xây dựng từ năm 2016 đến 2021, với mục tiêu xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động nghiên cứu khoa học, trình diễn thử nghiệm các mô hình sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ. Qua đó, kêu gọi đầu tư lĩnh vực sản xuất giống thủy sản.
Lĩnh vực sản xuất giống thủy sản được kêu gọi đầu tư
Các lĩnh vực kêu gọi đầu tư gồm giống thủy sản, công nghệ nuôi thâm canh hoặc siêu thâm canh, chế phẩm sinh học phục vụ thủy sản. Dự án sẽ dành khoảng 50ha kêu gọi vốn đầu tư của nông nghiệp.
Doanh nghiệp đầu tư vào các dự án NNCNC của TPHCM được miễn tiền thuê đất đến 50 năm, hỗ trợ 50% phí duy tu, bảo dưỡng hạ tầng, tín dụng, thuế xuất nhập khẩu, được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề trong nước, chi phí xúc tiến thương mại và dịch vụ tư vấn…
Dù đưa ra nhiều ưu đãi, nhiều ý kiến cho rằng, các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực NNCNC ở TP.HCM vẫn chiếm số lượng rất nhỏ, không đáng kể. Trong tổng số 133 dự án được UBND TP.HCM kêu gọi đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP.HCM năm 2017 tổ chức sáng nay, chỉ có… 3 dự án nông nghiệp được giới thiệu.
Có 116 dự án xã hội hóa, gồm 64 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 7 dự án giảm ngập nước, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 15 dự án các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, công nghiệp, thương mại dịch vụ.
Quy hoạch tổng thể TPHCM đến năm 2020 dựa trên nền tảng phát triển bền vững, nâng cao nhận thức dân cư gắn với bảo vệ môi trường
Ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 với quan điểm phát triển TPHCM dựa trên nền tảng phát triển bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao nhận thức dân cư gắn với bảo vệ môi trường.
Còn theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM, TP đặt mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng…
TP cũng định hướng di dời các xí nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành cũ, tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại có hàm lượng khoa học cao… Ngoài ra, TPHCM cũng định hướng phát triển hệ thống giao thông, chú trọng các trục vành đai và hướng tâm, đường trên cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường thủy, hàng không…
Tại hội nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã nêu ra 4 chương trình ưu tiên chiến lược của TP, gồm các khu đô thị mới, chương trình chống ngập và vệ sinh môi trường, chương trình bảo tồn và các chương trình nhà ở xã hội. Riêng tổng quan hệ thống đường sắt đô thị TPHCM gồm 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray (monoray) với tổng chiều dài 219,25km. Ông Lê Nguyễn Minh Quang – Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, cho biết, mục tiêu của TPHCM là đến năm 2020 hoàn thành tuyến metro số 1, năm 2024 hoàn thành tuyến metro số 2 giai đoạn 1 và tuyến metro số 5 giai đoạn 1. |