Vào cây xăng Nhật, khách hàng đích thực là thượng đế!, Tổng Giám đốc cũng cúi chào khách hàng (Ảnh: IT)
Khách hàng thực sự là thượng đế
Trước hình ảnh vị Tổng giám đốc của Nhật Bản cúi chào khách hàng, ông Phan Thanh Hùng- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Dịch vụ Hạ tầng xăng dầu cho biết: Đúng là một cách cúi đầu rất chân thành để cảm ơn những vị khách hàng đã tìm đến với họ. Mỗi khách hàng khi tới cửa hàng xăng dầu của người Nhật sẽ có cảm nhận họ tốt hơn mình về cung cách phục vụ. Cái cúi đầu thể hiện sự cảm ơn với những “thượng đế” đã đem đến những lợi nhuận cho họ” ông Hùng chia sẻ.
Theo ông Hùng, đối với các cửa hàng xăng dầu trong nước nói riêng và các lĩnh vực bán hàng dịch vụ khác của Việt Nam nói chung thường phong cách phục vụ vẫn chưa chuyên nghiệp. Cá biệt còn có những trường hợp gian lận của khách hàng. “Muốn có được đội ngũ phục vụ khách hàng chuyên nghiệp cần phải xây dựng được từ văn hóa phục vụ khách hàng cho đội ngũ những người tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ”, ông Hùng chia sẻ.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết: Thực tế, hình ảnh cúi chào của vị Tổng Giám đốc người Nhật với kinh doanh có liên quan với nhau. Đây không phải riêng biệt của một cá nhân mà là cung cách phục vụ của xã hội Nhật Bản nói chung. Hầu hết, người Nhật rất trân trọng công việc của mình nên họ đối sử với khách hàng như “thượng đế” thật sự! |
Là người có nhiều lần công tác tại Nhật, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết: Thực tế, hình ảnh cúi chào của vị Tổng Giám đốc người Nhật với kinh doanh có liên quan với nhau. Đây không phải riêng biệt của một cá nhân mà là cung cách phục vụ của xã hội Nhật Bản nói chung. Hầu hết, người Nhật rất trân trọng công việc của mình nên họ đối xử với khách hàng như “thượng đế” thật sự! Đây có thể nói là phong cách riêng của người Nhật không chỉ trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống nói chung.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong cuộc sống người Nhật luôn tôn trọng lẫn nhau nên trong xã hội Nhật, việc xung đột lợi ích có xảy ra nhưng để phải tới mức có biện pháp xử lý mang tính chất cưỡng chế hành chính gần như là rất ít. “Bản tính của người Nhật trong kinh doanh, họ luôn luôn coi công việc của họ là một việc quan trọng nên không chỉ người có trách nhiệm, người lãnh đạo mà ngay cả nhân viên đến người phục vụ đều có trách nhiệm và nghĩa vụ quan tâm tới chính công việc của họ. Do đó, họ dễ dàng lấy được lòng tin của khách hàng và dễ chiếm được niềm tin của đối tác”, ông Thịnh phân tích.
Ông Thịnh cũng cho biết thêm, ngay cả Thủ tướng của người Nhật còn quỳ xuống khi nói chuyện với người dân có thể thấy văn hóa của họ rất tôn trọng lẫn nhau. “Có người nói đó là nét cổ hủ, tôi cho rằng họ rất hiện đại nhưng lại giữ gìn được bản sắc của dân tộc họ”, ông Thịnh khẳng định.
Theo ông Thịnh, trong kinh doanh bán hàng nói riêng và trong cuộc sống nói chung, có lẽ chúng ta phải học người Nhật nhiều. Ngày xưa, những cạnh tranh trong kinh doanh cũng có nhưng không khốc liệt như hiện nay. Ví dụ như kinh doanh thực phẩm, không chỉ dừng lại ở làm bẩn theo kiểu “khuất mắt trông coi” mà người ta đã bất chấp tất cả luân thường đạo lý để làm lợi cho bản thân nên đã có đại biểu quốc hội phải thốt lên rằng: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày ra nghĩa địa lại gần như hiện nay”.
Cây xăng Nhật vẫn vắng khách vì sao?
Chia sẻ với Dân Việt, độc giả Nguyễn Hoàng Anh cho biết, trước sự kiện cây xăng 100% của người Nhật mở cửa tại Hà Nội, đích thân anh đã tới trực tiếp để cảm nhận. Quả thực, có vào tới cây xăng này mới thấy khi bỏ tiền ra đổ xăng đúng là đã trở thành “thượng đế” thật. “Từ ngoài nhìn vào, cây xăng được xây dựng rất khang trang, sạch đẹp, tất nhiên cây xăng nào mới cũng đẹp nhưng cái khác biệt ở cây xăng của người Nhật là có nhân viên đứng ngay từ lối đi vào để hướng dẫn. Khi mới đi vào, nhân viên cúi chào và hướng dẫn, vào đổ xăng, ô tô thì được lau kính xe miễn phí, đến khi đổ xăng xong đi ra họ cũng tiếp tục cúi chào và cảm ơn”, anh Hoàng Anh chia sẻ.
Với phong cách phục vụ này, tôi tin nếu họ mở ở khu vực nội đô của các thành phố lớn thì khách hàng sẽ tìm tới họ sẽ khác hẳn ngay”, anh Hoàng Anh chia sẻ.
Trao đổi với Dân Việt, PGS. TS. Ngô Trí Long – nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng: Người tiêu dùng khi ra cửa hàng xăng dầu hiện nay họ sẽ để ý tới 3 yếu tố gồm: phương thức phục vụ có văn minh không; lượng có đủ không và chất lượng có đảm bảo không. Hiện tại, người dân vẫn bức xúc trước tình trạng đi mua xăng bị cân đong không đủ, về chất lượng thì vẫn còn tình trạng một số cửa hàng “treo đầu dê bán thị chó”, xăng pha các tạp chất nên chất lượng không đảm bảo, làm hỏng phương tiện...
Mặt khác, phương thức phục vụ thì nhiều cửa hàng xăng dầu trong nước còn phải học hỏi các doanh nghiệp của Nhật rất nhiều. Trong khi đó, cây xăng của người Nhật độ chính xác là 100%, thai độ phục vụ lại lịch sự, chuyên nghiệp, vào đổ xăng còn được miễn phí lau kính ô tô…từ nhân viên tới khách hàng có cách ứng xử văn hóa rất ân cần, cúi người chào khách hàng thì chắc chắn sự xuất hiện của doanh nghiệp Nhật kinh doanh ở lĩnh vực xăng dầu sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp xăng dầu của Việt Nam.