Dân Việt

Ngôi chùa có cổng đá lớn nhất

22/12/2011 07:27 GMT+7
Chùa Đức Hạnh ở huyện Bù Gia Mập, Bình Phước có cổng chùa, đài Quan Thế Âm bằng đá tự nhiên nặng nhất cùng bộ tượng thờ và các vật dụng thờ cúng được làm từ các loại gốc, rễ cây nhiều nhất.

Độc nhất vô nhị

Chùa Đức Hạnh (tọa lạc tại thôn Phước Sơn, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) được xây dựng từ năm 1969, bởi một số đồng bào từ miền Trung vào Bình Phước lập nghiệp, sinh sống. Đến năm 1999, chùa được giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý và bắt đầu có trụ trì. Từ tháng 4.2008, chùa Đức Hạnh tiến hành trùng tu chánh điện, cổng tam quan, hàng rào, sân chùa... để tạo nơi quy ngưỡng của những người con Phật.

img
Các đồ thờ cúng bằng gốc cây, rễ cây.
img

Chánh điện chùa có diện tích 200m2, không có cột mà chỉ là các thanh bê tông cốt thép ngang, rui mè bằng gỗ dầu, lợp ngói vẩy cá lớn, vách ngoài xây bằng đá hoa, lót nền gạch giả gỗ... các pho tượng, bệ thờ, lư hương, chuông mõ, bàn, ghế sử dụng trong chánh điện chùa... hoàn toàn làm bằng các loại gỗ tự nhiên ở dạng gốc cây đã qua khai thác, được tận dụng lại.

Đặc biệt nhất chính là cổng tam quan và đài Quan Thế Âm của chùa được làm bằng đá tự nhiên. Cổng chùa cao 5m, rộng 10m được kết cấu bằng 8 thanh đá khối được ráp vào nhau bằng mộng, giống như gỗ. 8 thanh đá này là loại đá khối tự nhiên nguyên thủy. 

Ở thanh đá nằm ngang trên cùng, mặt trước khắc dòng chữ "Giáo hội Phật giáo Việt Nam", mặt sau khắc chữ "Phật lịch 2552" dài 3m, rộng 0,60m, nặng gần 4 tấn. Thanh đá nằm ngang thứ 2, mặt trước khắc dòng chữ "Chùa Đức Hạnh", mặt sau "Phước Huệ song tự", dài 5m, rộng 0,60m, nặng gần 8 tấn. 2 thanh đá trụ, mỗi thanh cao 4,7m, rộng 0,80m, nặng trên 7 tấn.

img
Cổng chùa bằng đá tự nhiên nguyên khối.
img

Ngoài cổng chính còn có hai cổng phụ, mỗi cổng cao 2,3m, rộng lọt lòng 1,7m, gồm 4 thanh đá trụ, mỗi thanh cao 2,3m, rộng 0,70m, nặng trên 5 tấn. Các thanh đá trụ được khắc câu đối sâu trong đá ở 2 mặt (ngoài và trong). Công trình cổng chùa bằng đá này thực hiện từ ý tưởng của đại đức Thích Minh Hậu và do nhóm điêu khắc đá Đặng Hồng Phong, gồm có 3 người thực hiện ròng rã trong 4 năm trời từ năm 2008 đến tháng 3.2011.

Các thanh đá nguyên khối này đều do ông Nguyễn Minh Hóa, chủ một hầm đá, cách chùa 2km cúng đường. Theo các phật tử kể lại thì tình cờ đại đức Thích Minh Hậu, trụ trì chùa đã phát hiện những khối đá này trong hầm khai thác đá của ông Nguyễn Minh Hóa và có ý tưởng làm nên cổng tam quan chùa bằng đá và ông Hóa đã tặng cho chùa Đức Hạnh toàn bộ những khối đá trên.

img
 
img

Để thi công được hạng mục công trình đặc biệt này, những người thợ đá đã phải đục đá làm mộng thân đà, cắt ngàm các cột kết nối và lắp ráp như thi công các chất liệu gỗ. Quá trình này được xem là khó thi công nhất trong các kết cấu còn lại, vì thi công vừa phải bảo đảm mỹ thuật, vừa phải bảo đảm an toàn cho công trình. Ngoài ra, trên thân các cột đá còn được khắc tên chùa, các câu đối, các lời khuyên của Phật, vừa làm đa dạng kiến trúc, vừa làm cho những khối đá trở nên mềm mại hơn.

Theo ước tính, mỗi cột đá nặng từ 3 - 8 tấn và là các khối đá nguyên nặng nhất được sử dụng để xây cổng chùa ở Việt Nam. Do đó, để các khối đá được đứng vững và bảo đảm độ an toàn, những người thi công phải chôn sâu từ 1,5 - 2m, dưới chân được cố định bằng bê tông và đá hộc rất chắc chắn.

Bộ tượng và vật từ rễ cây

Ngoài cổng chùa bằng đá tự nhiên, chùa Đức Hạnh còn có đài Quan Thế Âm bằng đá trắng Đà Nẵng, cao 3,2m, nặng gần 4 tấn đặt trên bệ trụ là 1 thanh đá (giống loại đá làm cổng Tam quan chùa), cao 3m (chôn dưới lòng đất 1,7m), đường kính 80cm, nặng gần 3 tấn. Bệ thờ là 1 khối đá cao 80cm, đường kính 1m, nặng trên 2 tấn. Trên thân bệ khắc bánh xe Chuyển pháp luân.

Ngày 14.5.2011, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã trao kỷ lục cho chùa Đức Hạnh với xác lập cổng chùa và đài Quan Thế Âm bằng đá tự nhiên nặng nhất.

img

Tuy nhiên, khi đến trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho cổng chùa bằng đá tự nhiên lớn nhất ở chùa Đức Hạnh thì các nhà chuyên môn của Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam lại phát hiện thêm một sự độc đáo khác đang có trong ngôi chùa quê này, đó là hơn 20 bộ tượng thờ và đồ thờ cúng của chùa hiện có đều làm bằng gỗ dạng gốc, rễ cây tự nhiên đã qua khai thác sử dụng lại, đây là một "kỳ tác mới" nên trung tâm đã tiếp tục xem xét và hai tháng sau ngày trao kỷ lục thứ nhất, vào ngày 7.7.2011, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã trao kỷ lục thứ hai cho ngôi chùa quê này.

Bộ tượng thờ và các vật dụng thờ cúng ở chùa Đức Hạnh hiện gồm có hơn 20 món hoàn toàn được làm từ gỗ dạng gốc, rễ cây tự nhiên. Chúng gồm có 9 pho tượng Phật, 3 bệ thờ Phật, 3 lư hương, hai bàn thờ, mõ, chân đèn... Các loại gỗ này ở dạng gốc, rễ cây đã qua khai thác, chùa tận dụng lại để làm đồ thờ nên hoàn toàn "không đụng hàng" với các sản phẩm mỹ nghệ khác.

Cái chính là những gốc, rễ cây đã qua sử dụng được các bàn tay khéo léo của những người thợ lành nghề, đã biến những đoạn rễ, gốc cây thành những sản phẩm thủ công được chạm trổ rất công phu, tinh xảo mang giá trị nghệ thuật cao. Trong số các tượng thờ và vật dụng thờ cúng nói trên, có một số tượng thờ và vật dụng tiêu biểu như tượng Phật Bổn Sư Thích Ca cao 2,2m, rộng 1,4m, nặng 400kg được làm từ gỗ mít rừng. Cặp chân đèn cao 1m được làm bằng gỗ mít chạm khắc rất công phu.

Từ những điều đặc biệt trên, với những công trình đang được hoàn tất, chùa Đức Hạnh hiện đang là địa điểm du lịch tham quan tiêu biểu của địa phương tỉnh Bình Phước, thu hút du khách thập phương đến đây chiêm bái.

Theo Bee