Ở đâu cũng bẩn
Sở Công thương TP.HCM đã liên hệ với nhiều cơ sở giết mổ ở Đồng Nai, Long An, kể cả yêu cầu các lò mổ tại TP.HCM nâng công suất nhằm đảm bảo lượng thịt heo cung cấp ra thị trường khi lò Xuyên Á tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, theo các thương lái ở lò Xuyên Á, hơn một tuần nay họ rất khổ sở khi đi tìm lò mổ thay thế. Ông Phúc, một thương lái trước đây làm mỗi đêm 70 – 80 con heo ở cơ sở Xuyên Á, cho biết sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng ông cũng thuê được một cơ sở giết mổ ở Bình Điền, giáp Long An. Để thuê được chỗ làm mới, ông Phúc phải trả thêm 110.000 đồng/con heo, từ tiền giết mổ, vận chuyển…
Trước khi xẻ thịt heo đã bị chích thuốc ngủ, nhưng vẫn lọt qua vòng kiểm soát của thú y.
Điều mà các tiểu thương lo ngại là tình trạng giết mổ không đạt vệ sinh ở các cơ sở địa phương. “Các lò mổ vừa nhỏ, vừa thiếu nước, thiếu thiết bị bảo quản, tay nghề công nhân không cao, làm dối, làm ẩu”, ông Long, một thương lái nói. Ở các tỉnh, công tác quản lý cũng không chặt chẽ bằng TP.HCM, con heo được bơm nước nhiều lần, công khai mà không có ai nhắc nhở. “Nhìn miếng thịt từ lò ở tỉnh dễ biết, vừa nhờn nhợt trắng, vừa bọng nước. Chỉ cần lấy dao rạch miếng thịt đùi đã thấy nước chảy ra”, ông Phúc cho biết thêm.
Theo một số thương lái, hiện họ đang mua heo hơi với giá trung bình 28.000 – 30.000 đồng/kg, thu hồi thịt mảnh sau giết mổ đạt tỷ lệ trung bình 73%. Trừ chi phí, giá thịt sỉ bán ra ở chợ đầu mối nếu đạt 45.000 – 47.000 đồng/kg là huề vốn, nếu giá 50.000 đồng/kg sẽ có lời 100.000 – 200.000 đồng/con. Tuy nhiên, nhiều thương lái chơi trò bơm nước nhiều lần vào thịt heo nên tỷ lệ thu hồi thịt có khi lên tới 78 – 80%, nghĩa là mỗi con heo họ bơm từ 8 – 12kg nước. Khi đưa thịt ra chợ đầu mối, họ phá giá, bán thịt mảnh còn 32.000 – 35.000 đồng/kg mà vẫn có lời.
“Miếng thịt bị bơm nước chỉ cần để đến 5 – 6 giờ sáng là bốc mùi. Cùng với việc giám sát chích thuốc an thần, các cơ quan chức năng phải xử lý thêm hành vi bơm nước mới giúp miếng thịt an toàn được”, ông Nguyễn Xuân Vũ, một thương lái heo ở TP.HCM, kiến nghị.
Lòng vòng… sinh loạn!
Theo hồ sơ, chủ cơ sở Xuyên Á chỉ bỏ vốn đầu tư xây dựng lò giết mổ, sau đó cho nhiều chủ lò thuê. Các chủ lò lại giết mổ gia công cho các thương lái. Một chủ lò có thể có một hoặc nhiều thương lái. Tiền giết mổ được chủ lò lấy bằng giá thuê, chỉ tính thêm công giết mổ, điện, nước, tiền vận chuyển heo từ lò ra chợ đầu mối và ăn chênh lệch giá bộ lòng heo. “Ví dụ bộ lòng heo bán ở ngoài là 30.000 đồng, thương lái để lại cho chủ lò 20.000 đồng”, một chủ lò ở Xuyên Á tiết lộ.
Với tình trạng thuê lòng vòng, ngay ở khâu quản lý, xác định trách nhiệm khi có sự cố xảy ra cũng khó quy kết người chịu cuối cùng. Chủ cơ sở có lý do không nhận trách nhiệm vì không trực tiếp giết mổ. Còn chủ lò, thương lái lại đổ cho nhau. Vụ phát hiện chích thuốc an thần vừa qua, các đối tượng đang đổ thừa trách nhiệm cho nhau.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc công ty An Hạ, thường, mỗi ông chủ thuê lò mổ đều có chiêu thu hút thương lái. Họ phải chích thuốc, bơm nước để thịt heo có màu đẹp, dẻo, ít hao hụt, thương lái mới thuê. Có chủ lò còn ứng trước tiền cho thương lái mua heo hơi. “10 giờ đêm hôm trước, thương lái chở heo đến lò mổ, 3 – 4 giờ sáng ra chợ đầu mối nhận thịt bán. Nếu thấy thịt không đẹp, sẽ chê, phạt tiền, yêu cầu chủ lò làm thế này, thế kia…”, bà Thắm phân tích.
Sở Công thương TP.HCM vừa họp với các chủ cơ sở giết mổ trên địa bàn, yêu cầu chỉ được cho chủ lò, thương lái thuê khi có giấy phép đăng ký kinh doanh để tiện theo dõi. Việc đăng ký hoạt động kinh doanh thịt heo do địa phương cấp, nhưng chủ cơ sở phải ghi điều khoản ràng buộc này trong hợp đồng thuê lò mổ. Đây chỉ là một biện pháp thủ tục, còn giải quyết tận gốc, có lẽ, đã đến lúc các cơ quan chức năng TP.HCM phải xem lại quy trình quản lý miếng thịt theo hướng rút ngắn các khâu trung gian, đồng thời đưa ra điều kiện kinh doanh chặt chẽ hơn.