Dân Việt

Vụ UBND xã nợ tiền không chịu trả: Có thể kê biên tài sản của xã

Vinh Hải 16/10/2017 13:35 GMT+7
Luật sư cho rằng chủ nợ có thể yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp đối với UBND xã Đan Hội (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) gồm phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản, giấy tờ có giá.

Như Dân Việt đã thông tin, chuyện hy hữu xảy ra ở Bắc Giang khi TAND huyện Lục Nam tuyên UBND xã Đan Hội (huyện Lục Nam) phải trả doanh nghiệp hơn 2 tỷ đồng. Nhưng hơn một năm nay, cơ quan này vẫn không chịu thi hành án.

Theo bản án dân sự sơ thẩm số 03/2016/DS-ST ngày 21.3.2016 của Tòa án nhân dân huyện Lục Nam, từ năm 2009 đến năm 2012, Công ty TNHH MTV Tiến Thành Đạt (Công ty Tiến Đạt) và UBND xã Đan Hội có ký kết 35 hợp đồng cung cấp vật liệu, thầu khoán xây lắp công trình như: kiên cố hóa kênh mương, nhà lớp học, trạm y tế...

img

UBND xã Đan Hội đã ký 35 hợp đồng với doanh nghiệp và còn nợ 8 hợp đồng kinh tế. Ảnh Vũ Thị Hải

Tính đến thời điểm Công ty Tiến Thành Đạt buộc phải làm đơn khởi kiện UBND xã này ra Tòa án thì số tiền còn nợ gốc của 8 hợp đồng kinh tế là 1,36 tỷ đồng. Căn cứ các quy định của pháp luật, TAND huyện Lục Nam đã tuyên án, buộc UBND xã Đan Hội phải có trách nhiệm thanh toán trả cho Công ty Tiến Thành Đạt tổng cộng 2,032 tỷ đồng tiền nợ gốc và lãi chậm trả.

Theo luật sư Lê Thị Hoài Giang – Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, đối với vụ án tranh chấp trên, bản ản dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lục Nam có hiệu lực pháp luật sau 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án mà không có kháng cáo của các đương sự. Như vậy, bản án đã có hiệu lực pháp lý và các bên phải chịu trách nhiệm thi hành bản án của Tòa án theo đúng quy định của Pháp luật.

Tuy nhiên, theo thông tin đã đăng tải trên Báo điện tử Dân Việt từ tháng 3.2016 đến nay đã hơn 1 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp lý, UBND xã Đan Hội đã không thi hành án với một số lý do nhất định.

“Theo Điều 165 Luật Thi hành án dân sự 2008, cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về thi hành án thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường” – luật sư Giang cho biết.

Bên cạnh đó, về nguyên tắc, sau khi có quyết định thi hành án, Chấp hành viên của cơ quan thi hành án phải có trách nhiệm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của bên phải thi hành án. Nội dung xác minh bao gồm số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản, tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay...; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Ngoài ra, Chấp hành viên cũng cần nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản thu nhập, điều kiện thi hành án.

Luật sư Giang cũng cho biết, trong trường hợp UBND xã Đan Hội vẫn không thực hiện việc thi hành bản án của Tòa án, đại diện của Doanh nghiệp - Công ty Tiến Thành Đạt có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án huyện Lục Nam áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định tại Điều 66 Luật thi hành án Dân sự nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án của UBND xã.

“Các biện pháp bảo đảm thi hành án mà doanh nghiệp có thể yêu cầu cơ quan thi hành án áp dụng đối với UBND xã Đan Hội gồm phong tỏa tài khoản, tạm giữ tài sản, giấy tờ có giá” – luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn cho hay.

Theo quy định của Luật, thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Hết thời hạn này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế thi hành án.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành án có thế áp dụng đối với UBND xã bao gồm: khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ và buộc chuyển giao vật, quyền tài sản, giấy tờ.

Theo Thông tư số 07/2016/TTLT-BTP-BTC về đảm bảo tài chính từ Ngân sách nhà nước để thi hành án xác định cơ quan nhà nước thuộc diện được đảm bảo tài chính để thi hành án mà chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ hoặc có nhưng số tiền đã nộp chỉ đáp ứng một phần nghĩa vụ thi hành án  thì thuộc diện được đảm bảo tài chính để thi hành án, trường hợp UBND xã Đan Hội cũng thuộc diện được đảm bảo tài chính từ ngân sách địa phương.

Khoản 2 Điều 8 của Thông tư xác định trường hợp tổ chức phải thi hành án là UBND các cấp thì cơ quan tài chính cùng cấp phải phối hợp với cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc UBND cùng cấp lập hồ sơ đảm bảo tài chính trình UBND cùng cấp xem xét, quyết định cấp kinh phí đảm bảo thi hành án.