Dân Việt

Vỡ đê có kế hoạch

Nguyễn Quang Vinh 14/10/2017 08:38 GMT+7
Qua những phát ngôn như "vỡ đê có kế hoạch", dư luận, người dân nhận ra được đâu là lãnh đạo gần dân, lo lắng cho dân. Đâu là cán bộ, quan chức thiếu trách nhiệm, vô cảm trước dân...

Hiếm có một đợt mưa lũ nào khiến cả miền Trung và miền Bắc “tan hoang” như vừa qua. 

Mỗi ngày, con số thống kê người chết, mất tích cứ tăng lên, đau nhói.

Tính tới thời điểm hiện tạị, đã có cả trăm người chết và mất tích.

img

Những hình ảnh đau xót trong đợt lũ này. Ảnh: Dân Việt

Từng ngày, con số thiệt hại về nhà cửa, tài sản, cơ sở hạ tầng, cây trồng vật nuôi... không ngừng tăng khiến người dân cả nước quặn thắt. 

Thiệt hại to lớn đó không chỉ vì mưa lũ lớn mà còn có nguyên nhân khi gần 100 điểm đê ở nhiều địa phương bị tràn, bị vỡ, bị đe dọa. 

Trong cơn lũ lớn, đê bao là thành lũy cuối cùng để bảo vệ mạng sống cho con người.

Hàng năm, nhiệm vụ củng cố, bảo vệ, gia tăng độ bền vững cho đê bao lớn, bé ở các vùng dân cư là phải làm thường xuyên. Thế nên mới có chuyện, xe hộ đê khi lưu thông thì thường được ưu tiên.

Ngoài việc vỡ đê bất khả kháng, còn lại, nếu việc vỡ đê có nguyên nhân từ quá trình kiểm tra, giám sát tắc trách, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền các cấp thì đó là tội tày trời.

Và thật hiếm khi nghe hai tiếng vỡ đê ở khu vực Hà Nội.

img

Nước ngập tới nóc mà lãnh đạo huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Chi Cục đê điều vẫn nói rằng "có tính toán". Ảnh: IFN

Vì thế, khi thông tin vỡ đê Bùi 2 ở huyện Chương Mỹ, cả nước bàng hoàng.

Nó nghiêm trọng tới mức, 6 giờ sáng ngày 12.10 vỡ đê thì 8 giờ sáng lãnh đạo Hà Nội đã có mặt để cùng chính quyền địa phương chỉ đạo. 

Đê vỡ, chính quyền cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an kịp thời di dời 618 hộ với 5.558 nhân khẩu đến nơi an toàn. 

Đê vỡ, nhiều vùng bị nước lũ nhấn chìm: Thị trấn Xuân Mai và các xã: Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động, Thanh Bình và Đông Sơn...

Tôi phải viết dài dòng mở đầu như thế nhằm để nói rằng, vỡ đê trong lúc đang mưa lũ là vô cùng nguy hiểm, nhưng trong khi chính quyền cơ sở và nhân dân lao vào lũ cứu nhau, cứu tài sản, với tinh thần chỉ đạo và hành động đầy trách nhiệm, thì ngay tại cấp huyện, từ cơ quan quản lý của Hà Nội lại bắt đầu đóng cửa tìm chữ, tìm câu, tìm cách phát ngôn nhằm để né hai chữ vỡ đê, lạ lùng làm sao.

Nào là “cho nước tràn qua đê là có tính toán”, nào là “nói vỡ đê thì chưa hẳn đúng mà trong quá trình nước tràn thì một điểm đê bị ứ, bị mất chân và phá luôn điểm đó", nào là “Quá trình tràn nước có thể có những điểm sạt chứ không phải vỡ. Việc cho tràn nước này nằm trong phương án tính toán của huyện”...và cuối cùng, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh nói: “Dân nhìn vào nói vỡ đê Hữu Bùi, nhưng chúng ta có thể nói là có vỡ nhưng vỡ có kế hoạch, chứ không phải vỡ bất ngờ”.

Xin thưa các vị, nước lũ lớn, quá lớn, mực nước dâng cao hơn mặt đê thì tất nhiên là nước phải tràn đê, sự tràn đó là sự cố bất khả kháng làm sao có thể nói nói là "cho phép" tràn đê trong tư thế chủ động, trong phương án tính toán của huyện?

Nói thế sao không khẳng định luôn là cơn lũ lớn vừa rồi cũng là sự "cho phép" đi, thật nực cười khi cho rằng có thể "lãnh đạo" được thiên tai, đừng quen kiểu nói năng vừa thiếu trách nhiệm, chỉ thêm lố bịch mà thôi.

img

Đợt lũ đang diễn ra không chỉ gây thiệt hại về người mà ảnh hưởng lớn vật nuôi. Ảnh: Duy Tuyên/NNVN

Phải chăng ông muốn "khoe" với nhân dân rằng, chúng tôi là cơ quan chuyên môn, chúng tôi biết tuốt, có kế hoạch tuốt rồi, lúc nào cho phép nước lũ lên, lúc nào cho phép nước lũ tràn qua đê, lúc nào cho phép vỡ đê, tất cả đều nằm trong "kế hoạch" cả, vì thế chúng tôi không phải liên đới trách nhiệm gì đâu, còn nếu lỡ may có người chết, nhà ngập, tài sản trôi...là do thiên tai đã quá "hăng hái" thực hiện "kế hoạch" của chúng tôi?!

Tôi hiểu, thưa ông Chi cục trưởng, ông cố "nhai đi nhai lại", nói lui nói tới hai chữ "vỡ đê có kế hoạch" phải chăng chỉ vì lo sợ ảnh hưởng tới "cái ghế" của các ông, nên mới "cố sống cố chết" bao biện như thế?

Qua cơn lũ, dư luận, người dân nhận ra được đâu là lãnh đạo gần dân, lo lắng cho dân. Đâu là cán bộ, quan chức thiếu trách nhiệm, vô cảm trước dân.

Mà một khi đã vô cảm với dân khi đâu xứng với chiếc ghế lãnh đạo!