Dân Việt

“Nói chừng” để thành vợ chồng

13/10/2011 09:25 GMT+7
(Dân Việt) - Ở Đảo Phú Quý (Bình Thuận) có tập tục là nam nữ đến tuổi cập kê đã ưng nhau thì không cần cưới hỏi, chỉ thông qua thủ tục nói chừng (dạm ngõ) của cha mẹ hai bên là "danh chính, ngôn thuận" trở thành vợ chồng.

"Tập tục gả con, chọn rể ở đây có lẽ có từ khi những thế hệ dân chài đầu tiên đặt chân khai phá, định cư trên đảo. Cuộc sống biệt lập, ít có điều kiện giao thương với đất liền, lại phải thường xuyên đối mặt với sóng gió đại dương khắc nghiệt nên những tập tục truyền thống (trong đó có cưới hỏi) được đơn giản hóa dần đi đến độ gần như không có. Bà con trên đảo từ nhiều đời nay quan niệm, thành hôn là việc riêng của hai nhà trai -gái nên tránh việc biện cỗ, mở tiệc mời người ngoài đến dự" - già Lê Vấn ở xã Ngũ Phụng chia sẻ.

img
Chăm chỉ, đảm đang là điểm chung của những người phụ nữ trên đảo Phú Quý.

Đảo nhỏ, nhà gần, trai gái biết nhau từ thuở thiếu thời, quen hơi bén tiếng từ tình bạn mà nảy nở tình yêu. Dân đảo quy định, khi màn đêm buông xuống, để tránh điều tiếng, con gái không được ra khỏi cửa, chàng trai muốn tìm hiểu phải tới nhà chơi và ngồi hầu chuyện bố mẹ cô gái.

Khi tình cảm đã đến độ chín, nhận được tín hiệu phản hồi tích cực, chàng trai về thưa với cha mẹ mình để chọn ngày lành tháng tốt sang nhà cô gái nói chừng. Thủ tục nói chừng rất đơn giản, không cần tặng vật hay nghi lễ gì cả. Nếu gia đình cô gái đồng ý thì ngay từ thời điểm ấy đôi trẻ chính thức nên nghĩa vợ chồng và đêm đó chàng rể được phép sang nhà cô dâu ngủ, coi như đêm tân hôn của hai vợ chồng.

Sau đêm tân hôn, chàng rể vẫn ở nhà mình còn cô dâu ở nhà mẹ đẻ, đến buổi tối mới về ở bên nhau tại nhà vợ. Dân đảo giải thích rằng, quy tắc này là để đôi trẻ có thêm thời gian lao động báo hiếu đấng sinh thành. Cảnh sống "vợ một nơi, chồng một chốn" như vậy cho đến khi nào họ có con thì bắt buộc phải về sống chung bên đằng nội.

Chỉ đến ngày đón dâu về sống chung, phía nhà trai mới phải biện lễ vật gồm cau trầu, thủ lợn, xôi gà, rượu nếp... và nhờ người mai mối đến nhà gái xin con dâu và cháu nội. Nghi thức bắt buộc mà nhà trai nào cũng phải thực hiện trong lễ rước dâu đó là thủ tục "trình cúng trước ban thờ" thưa với tổ tiên, ông bà mong được chứng dám và công nhận thêm 2 thành viên mới của dòng họ.

"Dù chẳng có mâm cao cỗ đầy, cưới xin rộn rã nhưng các cặp vợ chồng trên đảo từ bao đời nay vẫn sống rất đầm ấm, hạnh phúc, sinh con đẻ cái, bám biển tạo dựng cơ nghiệp" - già Vấn tự hào.