Giá hạt tiêu rớt giá liên tục trong thời gian vừa qua khiến không ít nhà nông chuyên về cây hồ tiêu lâm vào cảnh lao đao, nợ nần. Để vượt qua khó khăn đó, nhiều hộ dân thực hiện mô hình liên kết trồng tiêu cộng thêm nuôi dê đã cho thêm thu nhập khá, vượt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.
Gia đình anh Đỗ Đình Hưng, có vườn ở ấp Sóc Bưng, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long hiện có hơn 5.000 trụ hồ tiêu, trong đó phần lớn trụ tiêu đã được trồng bằng trụ cây keo. Qua đó, tận dụng những lá keo cắt tỉa bỏ đi, gia đình dùng để cho đàn dê ăn. Cách kết hợp 2 trong 1 này nhờ đó anh Hưng cho thêm thu nhập.
Mô hình trồng tiêu bằng trụ cây keo kết hợp nuôi dê đã giúp nhiều nông dân tỉnh Bình Phước giảm được chi phí đầu tư, phân tán rủi ro và tăng thu nhập.
Anh Hưng cho biết: “Ban đầu nuôi dê chủ yếu để có thêm thu nhập phụ. Nhưng từ khi đàn dê tận dụng tất cả lá, cành cây trụ sống cây keo gia đình tôi đã có thêm thu nhập từ bán đàn dê thịt, cũng như có thêm phân chuồng bón ngược lại cho cây trồng. Ngoài ra, từ nuôi dê đã giúp vườn tiêu gia đình tôi sạch sẽ, tránh dịch bệnh từ những lá, cành cây bỏ đi”.
Đặc biệt, tại thôn 10, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, mô hình “2 trong 1” có 15 gia đình trồng tiêu hơn 1 năm nay tham gia tổ liên kết trồng tiêu kết hợp nuôi dê không những mang lại hiệu quả kinh tế mà giúp các hộ gia đình được hỗ trợ, cùng nhau tháo gỡ khó khăn trong đầu tư phát triển cây trồng.
Nhà nông Nguyễn Chí Tiến, thôn 10, xã Thiện Hưng cách đây vài năm là một trong những hộ có thu nhập khá từ 4.000 trụ hồ tiêu mỗi năm thu được 500 triệu đồng. Thế nhưng trong hơn 1 năm trở lại đây, giá tiêu lao “không phanh” nếu trừ mọi chi phí từ công chăm sóc, làm cỏ, xịt thuốc bón phân bón… thì chỉ hòa vốn.
Tuy nhiên trước đó nhờ kết hợp với nuôi dê nên thu nhập gia đình ổn định. Trong thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm gia đình ông chỉ nuôi thử 3 cặp dê giống về nuôi, nhưng sau hơn 3 năm, đến nay đàn dê của ông đã lên đến trên 30 con, có thời điểm cao là 80 con. Mỗi năm gia đình ông Tiến thu lợi trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, còn lúc thấp thì 60 triệu/năm.
Ngoài bán dê cho thương lái, mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê còn có nguồn phân để quay lại phục vụ cho cây tiêu nhằm giúp bà con giảm chi phí đầu tư, tránh được rủi ro trong mùa vụ.
Ông Nguyễn Chí Tiến chia sẻ: “Từ hiệu quả kinh tế trồng tiêu kết hợp nuôi dê mà tôi đã thực hiện trong những năm qua và từ gợi ý Hội Nông dân xã Thiện Hưng, tôi cùng một số người vận động được 15 hộ dân tham gia tổ liên kết trồng tiêu kết hợp nuôi dê bền vững. Đến nay, tổ liên kết cũng được một năm thu lại kết quả hoạt động tốt, kinh tế đảm bảo cuộc sống. Ngoài ra chúng tôi còn vận động đến nay có 60 hộ tham gia trồng tiêu và nuôi dê phát huy hiệu quả, giảm bất khó khăn”.
Hiện nay tổ liên kết nuôi dê từ trồng tiêu thôn 10 đã mang lại thu nhập từ đàn dê từ 100 đến trên 200 triệu đồng/năm cho mỗi gia đình. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ còn tự góp vốn để hỗ trợ lúc khó khăn. Hiện tổng số vốn để giúp đỡ nhau xoay vòng vốn đã lên hơn 100 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Hưng Phạm Đình Thoại cho biết: “Hiện nay mô hình trồng tiêu nuôi dê mang lại quả kinh tế rõ rệt và tạo thu nhập cho người dân. Mô hình trồng tiêu nuôi dê trên địa bàn xã nay đã và đang nhân rộng ra; đồng thời, liên kết để mô hình này ngày càng phát triển hơn, giúp hộ dân phát triển kinh tế bền vững”.
Việc người dân trồng tiêu kết hợp với nuôi dê đang là xu hướng trên nhiều địa bàn của tỉnh Bình Phước. Mô hình này không những mang lại thu nhập mà còn giúp cho người dân giảm gánh nặng về giá cả hạt tiêu xuống giá, cân bằng nguồn thu cũng như đầu tư phát triển kinh tế.
Đây được xem là hình thức tập hợp nông dân vào mô hình tập thể để hướng đến ra đời các hợp tác xã kiểu mới, cùng nhau giúp đỡ phát triển kinh tế gia đình. Thông qua mô hình “2 trong 1”, trồng tiêu kết hợp nuôi dê sẽ giúp nông dân chủ động hơn trong cơ chế sản xuất sản phẩm sạch, khâu tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thêm thu nhập ổn định cho nhà nông...