Dân Việt

Cuộc sống thiếu thốn trăm bề của người dân vùng rốn lũ xứ Thanh

Thiên Sứ 14/10/2017 19:25 GMT+7
Nước lũ dâng cao nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở xã Thạch Định (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) khiến người dân nơi đây đang phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thốn trăm bề…

Những túp lều tạm chống chọi với thiên nhiên

Nhiều hộ dân ở xã Thạch Định, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) vẫn chưa hết bàng hoàng về những trận mưa lớn lịch sử khiến nước sông dâng cao nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà.

Bà Phạm Thị Thanh (54 tuổi), trú tại thôn Định Trường, xã Thạch Định cho biết: “Đây là trận mưa to và dài nhất mà tôi từng gặp, nước dâng lên rất nhanh khiến cho các hộ dân phải sơ tán lên đồi”.

img

Bà Phạm Thị Thanh mếu máo tiếc của khi toàn bộ gia tài bị nước lũ cuốn trôi

Nhìn nước dâng lên cuốn trôi gia sản, nhiều người ngậm ngùi tiếc nuối nhưng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, chờ nước rút để mong sửa sang lại chỗ ở, ổn định cuộc sống.

Lau vội giọt nước mắt, bà Bùi Thị Duyên (76 tuổi), trú tại thôn Định Trường cho biết: “Khi nước lên, tôi và chồng chỉ kịp cõng hai cháu nhỏ chạy, tài sản không kịp lấy gì. Tiếc của, chồng tôi cố bơi ra để lấy, suýt thì bị nước cuốn trôi, may mà mấy người ở gần đấy cứu được”.

img

Bà Bùi Thị Duyên đang cho cháu ăn mì tôm để cầm cự chờ nước rút

Trên núi Thạch Định, giờ đây hàng trăm túp lều quây tạm bợ bằng bạt để người dân có chỗ trú chân. Người già, trẻ nhỏ hằng ngày phải ăn mì tôm sống qua ngày.

Cuộc sống của người dân nơi đây vốn yên bình mà chỉ sau một đêm bỗng trắng tay, chịu cảnh không nhà cửa, không cơm nước.

Chờ nước rút, mong ngày về nhà

Mưa đã ngớt nhưng vì nước sông rút chậm nên xã Thạch Định vẫn ngập sâu, cả xã chỉ một màu trắng xóa của nước. Bao nhiêu con mắt hằng ngày vẫn đau đáu đo từng thước nước, chờ đến ngày nước rút để về nhà.

Đi trên chiếc xuồng máy của cán bộ xã Thạch Định, xuôi về nơi những hộ dân đang phải sơ tán. Dọc theo sông Bưởi, chúng tôi bắt gặp hàng trăm người già, trẻ nhỏ đứng trên bờ nhìn xuống dòng sông bằng những ánh mắt buồn bã, tiếc nuối.

Mấy hôm trước, khi dòng sông Bưởi nước dâng lên đến báo động II, hàng trăm hộ dân nơi đây được đội cứu hộ đưa lên trú tạm tại núi Rú và núi Thạch Định.

Tại những nơi tạm trú, cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn khi phải chịu cảnh không cửa nhà, không cơm nước, ngay cả quần áo cũng không có mà thay.

img

Khi trời mưa ngớt, bà con nơi đây lại tất bật lo cơm nước cho cả nhà để tiếp tục chống chọi với thiên nhiên

Bà Bùi Thị Duyên (64 tuổi), thôn Thạch Định 4 cho biết: “Chúng tôi chạy lũ chẳng kịp mang theo thứ gì. Quần áo mưa ướt hết, có mỗi một bộ mặc trên người thế này, ướt lại khô, khô lại ướt”.

Trong túp lều nhỏ trên triền đê, cụ Lê Thị Phượng (81 tuổi), ở thôn Thạch An hướng đôi mắt về ngôi nhà của mình. Gặp ai cụ cũng hỏi: “Nước rút được nhiều chưa, bao giờ trở lại nhà được”?

img

Dù tuổi đã cao, mắt đã mờ, nhưng hàng giờ cụ Lê Thị Phượng vẫn mong ngóng tin tức nước rút để về với ngôi nhà của mình.

Anh Ngô Văn Sơn (35 tuổi), trú tại thôn Định Cát, xã Thạch Định cho biết: “Nhà tôi làm trang trại nuôi lợn. Trước khi lũ về, 200 con lợn chuẩn bị xuất chuồng nhưng nước lên nhanh quá chỉ kịp vận chuyển được 50 con”.

Hiện nhiều thôn trên địa bàn xã Thạch Định vẫn bị ngập sâu từ 1-2m. Nước bủa vây khiến cho cuộc sống của bà còn nơi đây bị cô lập.

Ông Vũ Trọng Hùng – Chủ tịch UBND xã Thạch Định cho biết, nước lũ vẫn đang rút nhưng rất chậm.

Theo ông Hùng, toàn xã Thạch Định có 600 ngôi nhà bị ngập hoàn toàn; 150 con lợn, 1.500 con gà bị cuốn trôi; 25ha mía, 10 ha lúa, 28ha nuôi trồng thủy sản đều bị hư hại.

“Hiện toàn xã vẫn còn 38 hộ với 115 nhân khẩu phải sơ tán, sống tạm bợ ở trụ sở UBND xã, trường học, triền đê, triền núi. Phía chính quyền địa phương đang cố gắng chu cấp cho bà con có đầy đủ nước uống và mì ăn liền sống qua ngày”.

img

Chính quyền xã Thạch Định đang vận chuyển mì tôm và nước uống lên cho bà con vùng nước lũ.

img

Hiện nay trên toàn xã Thạch Định có khoảng 600 ngôi nhà đang bị nhấn chìm dưới nước.

Mưa lũ hoành hành gây thiệt hại nặng nề: Khó như dự báo mưa!

Chuyên gia khí tượng cho rằng, dự báo mưa đã khó, dự báo chính xác lượng mưa bao nhiêu lại càng khó hơn.