Dân Việt

“Phao cứu sinh” của 124.000 hộ nghèo

Huỳnh Xây 18/10/2017 06:25 GMT+7
Trong 15 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, trong số hơn 471.000 lượt hộ nghèo, hộ chính sách ở tỉnh Sóc Trăng được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã có 124.000 hộ thoát nghèo.

Hạn chế nạn “vay nặng lãi” ở nông thôn

Nguồn vốn của Ngân hàng CSXH được người dân tỉnh Sóc Trăng sử dụng trong việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, qua đó tự tạo việc làm, cải thiện thu nhập. Các mô hình được bà con nông dân nghèo xây dựng và phát triển mang lại hiệu quả kinh tế như chăn nuôi lợn, trâu, bò thịt, dê, gà thả vườn, nuôi cá, tôm; trồng cam quýt; trồng màu, rau sạch hay mua bán, sản xuất kinh doanh nhỏ.

Nhờ các hội đoàn thể động viên, giám sát cũng như hướng dẫn chu đáo từ chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn về khuyến nông nên các mô hình sử dụng vốn ưu đãi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

img

  Người dân xã Thuận Hoà, huyện Châu Thành  (Sóc Trăng)  vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư nuôi bò sinh sản. ảnh: Huỳnh Xây

Trao đổi với Dân Việt, ông Dương Đình Lạng - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Sóc Trăng cho hay: “Thời gian qua, hộ nghèo, hộ chính sách còn nhiều khó khăn, nhu cầu vay vốn rất lớn, kéo theo tệ nạn cho vay nặng lãi. Nguồn vốn của Ngân hàng CSXH đã dần khắc phục được tình trạng trên, tạo thêm công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương, từ đó có rất nhiều hộ đã thoát nghèo…”.

Cũng theo ông Dương Đình Lạng, trong 15 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Sóc Trăng đã triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng mới theo quy định của Chính phủ và một số chương trình do UBND tỉnh, huyện ủy thác thực hiện… Tổng doanh số cho vay vốn tín dụng  đạt trên 5.627 tỷ đồng.

Tăng trưởng gắn với chất lượng

Sau 15 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Sóc Trăng hiện đạt quy mô hơn 3.015 tỷ đồng (tăng 2.962,4 tỷ đồng, tức tăng gấp 56 lần so với 15 năm trước)…”.
 Ông Dương Đình Lạng 

“Đi đôi với tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng là yếu tố hàng đầu được Chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh tỉnh Sóc Trăng quan tâm, tham mưu với cấp chính quyền, phối hợp với các ngành. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ nợ xấu vốn tín dụng chính sách trên toàn Chi nhánh còn 6,67%, giảm gần 3 lần so với khi mới thành lập Ngân hàng CSXH…” - ông Dương Đình Lạng cho hay.

Về việc quản lý vốn tính dụng chính sách, theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Sóc Trăng, không phải lúc nào việc cho vay và thu hồi vốn gốc, lãi cũng “thuận buồm xuôi gió”. Do điều kiện khách quan, đợt hạn mặn khốc liệt trong thời điểm đầu năm 2016, Sóc Trăng đã có gần 30.000 hộ bị ảnh hưởng, hơn 24.000ha lúa, màu, mía bị thiệt hại với tổng giá trị thiệt hại lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

“Bị thua lỗ, không có vốn để tái đầu tư, tái sản xuất nên số nợ đọng, nợ xấu, nợ quá hạn tăng cao, buộc Chi nhánh Ngân hàng phải khoanh nợ, giãn nợ theo quy định của Chính phủ… Rất may, một năm khó khăn đã qua, sản xuất, kinh doanh của nông dân tỉnh Sóc Trăng đã thuận lợi trở lại. Bà con bây giờ đã khắc phục những khoản nợ cũ, tình hình kinh doanh hoạt động của Chi nhánh cũng đang trong chiều hướng tốt lên nhiều…” - ông Dương Đình Lạng nói thêm.

Ông Lạng chia sẻ: “Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Sóc Trăng quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng sẽ có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn”.