Trận lũ ngày 11.10 vừa qua bất ngờ ập xuống bản Bang, xã Mường Bang, huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), cuốn trôi mất nhiều nhà cửa, đồ đạc của các hộ dân trong bản; trong đó có gia đình anh Đinh Xuân Điệp.
Bế đứa con chưa đầy 2 tháng tuổi trên tay, mắt ngấn lệ nhìn chồng đang dọn dẹp những gì còn sót lại sau trận lũ, chị Phùng Thị Tơ buồn rầu chia sẻ: “Năm 2016, vợ chồng em tích cóp được ít tiền, vay mượn thêm hơn 100 triệu để dựng nhà, hi vọng lấy một mái ấm để làm ăn, chăm sóc con cái. Bây giờ lũ cuốn trôi rồi, chỗ ở cũng không còn nữa thì biết lấy gì mà sống, nói gì tới nợ nần phải trả nay mai?".
Chị Phùng Thị Tơ, thẫn thờ trước ngôi nhà bị lũ cuốn trôi. Ảnh Vinh Duy
Ngôi nhà chị Phùng Thị Tơ và anh Đinh Xuân Điệp nằm cạnh suối Do. Thường ngày, con suối này vốn hiền hòa, là nguồn kiếm thêm con cá, con tôm, cọng rau xanh... cho hàng trăm người dân bản Bang,
Vậy mà đêm 11.10, suối Do “nổi giận” cuốn trôi hàng chục ngôi nhà, hàng trăm hecta lúa chuẩn bị cho thu hoạch.
“Năm ngoái vợ chồng em ra ở riêng, vay mượn mọi người ít tiền để làm nhà, không ngờ ở chưa được 1 năm đã bị lũ cuốn trôi hết. Bây giờ không biết lấy tiền đâu để làm nhà, còn trả nợ nữa” anh Điệp, ngậm ngùi chia sẻ.
Cũng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng mới lấy nhau được gần 4 năm, có 2 con, cháu lớn hơn 2 tuổi, cháu bé 2 tháng tuổi, cả 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định nên anh Điệp phải về Hà Nội phụ hồ, bốc vác... “Em đi làm thuê dưới Hà Nội, lương được hơn 5 triệu, chi tiêu tằn tiệm mỗi tháng gửi về cho vợ 3 triệu để nuôi con và trả nợ. Vợ em ở nhà làm ruộng, trông con nhưng vất vả lắm”, anh Điệp cho biết
Ngôi nhà của chị Tơ bị lũ cuốn trôi, chỉ còn lại đống đỏ nát, với đá sỏi. Ảnh Vinh Duy
Anh Điệp kể: "Hôm nhà em bị lũ cuốn trôi, tôi đang làm ở dưới Hà Nội và không hề biết gì. Khi thấy ông chủ thầu công nơi em làm thuê, bảo liên lạc với người nhà xem gia đình có bị lũ không? Em hốt hoảng gọi điện về nhà nhưng cả xã khi ấy đã mất điện, mất sóng điện thoại nên không được.
Nghĩ tới vợ và 2 con thơ trong ngôi nhà nhỏ nằm ven suối Do, em tức tốc trở về. Ai ngờ gần đến quê thì đường bị tắc, trời vẫn mưa gió. Em cắm cổ chạy bộ hơn 20km. Về tới bản, nhìn nhà mình chỉ còn cái nền với đất, đá, rác rưởi mà bủn rủn chân tay...
“Không nhìn thấy nhà đâu, em kêu gào vợ con. Hàng xóm đang trốn lũ gần đó nghe thấy, chạy ra bảo vợ con em không sao, đang ở nhà ngoại, bấy giờ em mới yên tâm gục xuống ngay bên nền nhà của mình vì đã kiệt sức” - anh Điệp kể lại.
Vừa dọn lại đống đổ nát, anh Điệp vừa tâm sự, bây giờ gia đình anh cũng chưa biết tính cuộc sống trước mắt thế nào, không biết vay tiền ở đâu để làm nhà mới cho vợ con.
“Chỗ này thì không thể ở được nữa, phải tìm chỗ khác thôi, nhưng lấy tiền đâu để làm nhà? Số nợ cũ gia đình vay còn chưa trả hết, giờ lại vay tiếp thì biết bao giờ mới trả hết được. Làm nhà mới cũng hết hơn 100 triệu nữa, cộng với số nợ cũ thì lớn quá” anh Điệp nghẹn ngào kể.
Anh Đinh Xuân Điệp, chồng chị Tơ, dọn dẹp, tìm kiếm đồ dùng dưới đống đất đá sau con lũ. Ảnh Vinh Duy
Bà Hà Thị Huyết, mẹ vợ anh Điệp vừa giúp các con dọn đống đổ nát, vừa bảo: “Hôm đấy trời mưa to, nước suối dâng cao. Gần 10h đêm tôi xuống thấy 3 mẹ con nhà cái Tơ (tên vợ anh Điệp) chuẩn bị đi ngủ. Thấy nước suối lên to chưa từng thấy, tôi không yên tâm, bảo con gái chuẩn bị quần áo, đưa 2 con về nhà tôi ngủ vì nhà tôi ở trên cao. Chúng tôi vừa lên nhà được một lúc thì lũ lớn về, cuốn trôi tất cả. Khổ thân 2 vợ chồng chúng nó (anh Điệp và chị Tơ) vừa vay mượn hơn 100 triệu làm được cái nhà thì lại bị trôi. Nhưng cũng may là người còn thì sẽ làm ra của...”
Gạt nước mắt tràn đầy trên khuôn mặt, anh Điệp bảo:“Em dự định cuối năm nay được thanh toán tiền công về, trả nợ một ít, còn một ít vốn sẽ mua cho vợ con chiếc ti vi mới để xem, vậy mà bây giờ chẳng còn gì. Số tiền đầu tháng gửi về cho vợ để trả nợ, chưa kịp đi trả cũng bị lũ cuốn trôi mất.
"Thương vợ, thương con lắm. Bố mẹ cả 2 bên đều nghèo, giờ lại phải cưu mang thêm chúng em thì càng khổ hơn nhưng chẳng biết làm cách nào khác được” anh Điệp nghẹn ngào.