Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, đến nay toàn thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được trên 78.750ha đất nông nghiệp (đạt 103% kế hoạch). Diện tích đất dôi dư sau DĐĐT gần 1.837ha, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch mở rộng các công trình phúc lợi.
Đến nay thành phố đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau DĐĐT cho gần 98% trường hợp, trong đó có 4 huyện đã hoàn thành gồm: Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thạch Thất. Toàn thành phố đã có 89 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng thành công 59 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn lên bình quân hơn 36 triệu đồng/năm. Tỷ lệ nghèo khu vực nông thôn Hà Nội tiếp tục giảm nhanh, dự kiến cuối 2017 còn dưới 2,8%.
Nông dân huyện Ứng Hòa (Hà Nội) thu hoạch cá. Ảnh: H.Đ
Đến nay, toàn thành phố đã có 3 huyện được công nhận đạt chuẩn (Thanh Trì, Đan Phượng và Đông Anh). Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 255/386 xã (chiếm 66% tổng số xã) được thành phố công nhận xã NTM; các xã còn lại đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên.
Tuy nhiên, đến nay Hà Nội vẫn còn 5 huyện chưa hoàn thành DĐĐT với 793ha (Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai).
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02/CTr- TU của Thành ủy Hà Nội cho rằng: Sản xuất nông nghiệp của thành phố vẫn ở quy mô nhỏ, hộ gia đình; liên kết còn yếu. Việc đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ nghèo tại một số huyện còn cao, như: Ba Vì (7,1%), Mê Linh (4,2%), Sơn Tây (4%)…
Theo đó, bà Hằng yêu cầu các địa phương phải tập trung đầu tư cho các xã phấn đấu hoàn thành NTM trong năm 2017, tránh dàn trải, bảo đảm chất lượng, tiến độ các công trình, nhất là các công trình do các quận nội thành hỗ trợ. Các huyện đôn đốc hoàn thiện hồ sơ các xã đạt chuẩn trên tinh thần “không chạy theo hình thức, thành tích”.