Cách đây 3 năm, được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật ủ phân vi sinh do xã tổ chức, anh Y Brôn đã nắm rõ quy trình và về áp dụng vào thực tế ở gia đình.
Anh Y Brôn nói: “Bà con được cán bộ hướng dẫn cụ thể ngay tại vườn rẫy nên dễ hiểu, dễ làm. Ban đầu, tôi còn lúng túng một số khâu, nhưng sau đó học hỏi, tìm hiểu thêm và nay thì đã thành thạo”.
Anh Y Brôn áp dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê để bón cho cây trồng
Theo Y Brôn, với khoảng 1 tấn vỏ cà phê sẵn có thì trộn với 200 kg phân bò hoặc phân heo và từ 250-500 kg phân lân, 10 kg đạm, 20 kg vôi bột cùng với men vi sinh. Điều quan trọng là trong quá trình ủ phải làm ẩm vỏ cà phê đến độ cần thiết và trộn đều các thành phần. Thời gian ủ phải khoảng 3 tháng, khi đó phân hoai mới đem bón để tránh gây ra một số bệnh đối với cây trồng.
Y Brôn so sánh: Phân hóa học thì giá cao và cây lại hay bị bệnh, quả ít, hạt nhỏ. Trước đây, với 500 cây cà phê, gia đình chỉ thu được dưới 1 tấn, có năm chỉ được khoảng 5-6 tạ nhân. Từ 2 năm nay, tận dụng vỏ cà phê ủ phân vi sinh và bón cho cây trồng thì vườn cà phê xanh tốt, năng suất cao hơn hẳn. Từ khi bón phân hữu cơ đến nay, đất mềm, tơi xốp, xuất hiện nhiều loại động vật có lợi như giun đất sinh sống. Đất tơi, xốp thì giúp cho bộ rễ của cà phê phát triển, dễ hấp thu chất dinh dưỡng. Sau 1 năm bón phân vi sinh tự ủ, gia đình đã thu được 1,2 tấn cà phê nhân và năm vừa rồi thu về 1,6 tấn.
Bên cạnh nắm rõ kỹ thuật ủ phân thì anh còn học được cách bón phân đúng thời điểm, đúng liều lượng và kỹ thuật tạo tán, làm cỏ để chăm sóc vườn cà phê tốt. Phân hữu cơ vi sinh còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả kinh tế, nên cách đây 2 năm, gia đình anh đã trồng thêm 500 cây cà phê.
Vỏ cà phê là nguồn nguyên liệu có sẵn trong các hộ gia đình trồng cà phê nên có thể dùng để chế biến phân vi sinh chất lượng cao. Cách làm của anh Y Brôn đã mang lại hiệu quả, được đồng bào trong vùng học hỏi, áp dụng vào thực tiễn để nâng cao năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu tư cho sản xuất.