Dân Việt

Giá lợn (heo) hôm nay 21.10: Xuất khẩu lợn sang Trung Quốc chỉ đạt 2,4 triệu con giảm 80%, giá lợn hơi chưa thể cải thiện

Minh Huệ 21/10/2017 04:35 GMT+7
Theo báo cáo từ Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gần 12 triệu con lợn (bình quân 33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam chỉ xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con lợn, thậm chí nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu sẽ chỉ đạt 1,17 triệu con. Trong khi xuất khẩu không có triển vọng thì giá lợn hơi (heo hơi) hôm nay tại thị trường trong nước có sự dao động nhẹ tại một vài địa phương.

Đó là những con số vừa được đưa ra tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam vừa diễn ra hôm qua (20.10). Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định, ngành chăn nuôi lợn nước ta có nhiều tiềm năng, nhưng hiện nay chăn nuôi lợn vẫn là ngành yếu kém nhất. Để cải thiện điều này, chỉ có cách duy nhất là phải “cải tổ” ngành nuôi lợn, trong đó sản xuất theo chuỗi phải là ưu tiên hàng đầu.

img

Ngành chăn nuôi lợn của nước ta vẫn thuộc diện yếu kém do mới dừng lại ở khâu chăn nuôi là chính, ít đầu tư liên kết chuỗi, chế biến, sản xuất theo kiểu mạnh ai nấy làm khiến giá lợn luôn bấp bênh. Ảnh minh hoạ

Chăn nuôi lợn quá nhiều điểm yếu

Theo thống kê mới đây của Bộ NNPTNT, mỗi năm, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD với 10 ngành hàng chủ lực, đạt giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Tuy nhiên, dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn với năng suất sản xuất 27,5 đến trên 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu con bò sữa…, với bình quân đạt 60kg thịt/người, 100 quả trứng/người, 10 lít sữa/người, 80kg cá/người, nhưng đáng tiếc là sản phẩm ngành chăn nuôi hầu như chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu.

Dù các doanh nghiệp, ngành chức năng đã có nhiều cố gắng, song từ nhiều năm nay, việc xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang các nước vẫn chưa có sự đột phá nào. Phần lớn lợn nuôi được chủ yếu tiêu thụ trong nước và mới xuất khẩu một phần sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Theo báo cáo từ Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gần 12 triệu con lợn (bình quân 33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con lợn (giảm 80% so với năm 2016). Nếu tình hình không khả quan, con số xuất khẩu trên sẽ giảm sút, chỉ xuất khẩu đạt 1,17 triệu con.

img

Phần lớn việc chăn nuôi lợn tại nước ta có quy mô nông hộ hoặc trang trại, hiệu quả kinh tế thấp. Ảnh minh hoạ

Đối với xuất khẩu lợn thịt xẻ chính ngạch, hiện Việt Nam mới xuất sang thị trường Hồng Kông và Malaysia, với sản lượng khoảng 15.000 – 20.000 tấn/năm (tương đương 200.000 con). Qua các con số trên cho thấy, tình hình xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện tại, hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng sản xuất.

Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), hiện nay cả nước có 910 cơ sở giết mổ tập trung (bao gồm 611 cơ sở giết mổ gia súc, 130 cơ sở giết mổ gia cầm và 76 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm). Đáng nói là hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm này không có hệ thống bảo quản mát, pha lọc, cấp đông và kho bảo quản lạnh sản phẩm (chỉ phục vụ giết mổ để bán thịt nóng trên thị trường nội địa).

Trong số đó, cả nước chỉ có 8 cơ sở giết mổ lợn sữa, lợn choai để xuất khẩu sang Hồng Kông và Malaysia. Tuy nhiên, các cơ sở này đều có công suất nhỏ và mới chỉ đáp ứng được các yêu cầu của 2 thị trường trên chứ chưa thể mở rộng ra các thị trường khác.

Trước những con số đáng buồn này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Mặc dù nông nghiệp của nước ta ngày càng phát triển, tuy nhiên đối với lĩnh vực chăn nuôi lợn, đây là mảng yếu kém nhất, từ triển khai tổ chức sản xuất cho đến chế biến. Hầu như chăn nuôi lợn mới chỉ làm được khâu sản xuất. Cả nước có gần 1.000 lò mổ nhưng rất thiếu chuyên nghiệp, vẫn chủ yếu mổ thủ công, phục vụ ăn thịt tươi. Rõ ràng khâu tổ chức chế biến và tổ chức thị trường đều chưa tốt”.

img

Đại diện các doanh nghiệp tham gia ký Biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác - liên kết chuỗi sản xuất thịt lợn xuất khẩu. Ảnh: M.H 

Sở dĩ Việt Nam chưa thể xuất khẩu được sản phẩm thịt lợn chính ngạch là bởi ngành chăn nuôi vẫn chưa thể xử lý triệt để dịch bệnh, nhất là dịch lở mồm long móng (LMLM), chưa xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh.

Theo thống kê của Cục Thú y, năm 2015 cả nước phát hiện 59 ổ dịch LMLM xảy ra tại 21 tỉnh, thành phố, làm 3.281 con gia súc mắc bệnh; năm 2016 phát hiện 36 ổ dịch LMLM xảy ra tại 10 tỉnh; trong 10 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 6 ổ dịch LMLM tại 3 tỉnh (Hà Tĩnh, Gia Lai và Đắk Lắk). Dịch bệnh LMLM chính là nguyên nhân khiến năm 2012, thị trường Trung Quốc ra lệnh đóng cửa nhập khẩu lợn sống từ Việt Nam và đến nay vẫn chưa có động thái mở cửa trở lại.

Nhanh chóng gỡ “nút thắt” dịch bệnh

Chia sẻ quan điểm tại diễn đàn, ông Vũ Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Biển Đông cho biết: "Chúng ta có nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm thịt lợn, quan trọng là có hành động để đáp ứng các yêu cầu của họ hay không? Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các cơ hội nhập khẩu thịt lợn ba chỉ và chân giò lợn. Điển hình là tháng 5.2017, thông qua Công ty TNHH VIETGO, Việt Nam đã có các đơn hàng từ các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 6.000 tấn thịt ba chỉ và 3.000 tấn thịt chân giò trong năm đầu tiên”.

img

Cơ sở chăn nuôi heo được công nhận an toàn dịch bệnh động vật tại xã An Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: Mạnh Linh

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng nhấn mạnh, để xuất khẩu được các sản phẩm này sang Hàn Quốc là rất khó bởi họ đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe. Theo đó, Cơ quan thú y Hàn Quốc yêu cầu thịt lợn xuất khẩu vào nước họ phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng xuất khẩu không có bệnh LMLM được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận.

Ngoài ra, Nhật Bản hay các nước châu Âu còn yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao về mặt vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh động vật của EU… Đáng tiếc là hiện nay Việt Nam chưa được OIE công nhận sạch bệnh LMLM nên chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc, EU tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn, và như vậy đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội xuất khẩu thịt lợn vào các thị trường dồi dào tiềm năng này.

Về vấn đề này, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á nhấn mạnh, muốn xuất khẩu được thịt lợn, Việt Nam cần đẩy mạnh việc xúc tiến quan hệ quốc tế, ký kết các Hiệp định song phương, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, vùng an toàn dịch bệnh, chia nhỏ theo khu vực. “Bởi nếu xây dựng vùng an toàn có bán kính 500km thì khó, chứ vùng bán kính 5km thì dễ dàng hơn nhiều" - ông Gabor Fluit nói.

Ngoài ra, Cục thú y cũng cần hợp tác, xúc tiến, xây dựng kế hoạch, phương án về an toàn dịch bệnh với các đối tác nước ngoài để các doanh nghiệp “ở cùng an toàn dịch bệnh” có thể tự tin xuất khẩu thịt ra nước ngoài.

Giá lợn hơi (heo hơi) hôm nay chưa thể hồi phục

Trong khi tình hình xuất khẩu thịt lợn chính ngạch chưa có kết quả thì theo ghi nhận của phóng viên, tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, giá lợn hôm nay 21.10 vẫn ở ngưỡng thấp, dao động từ 27.000 đồng đến 28.000 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, giá heo hơi bán tại trại chỉ còn từ 26.000 - 27.000 đồng/kg, hoạt động mua bán heo hơi tại các trại cũng khá ảm đạm. Đề cập lại vấn đề đầu ra cho heo hơi Việt Nam, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết: "Heo trong giai đoạn này vẫn đang khó đầu ra, nếu có bán được bà con cũng vẫn bị lỗ. Việc thua lỗ kéo dài hơn một năm nay là khó khăn vô cùng lớn cho người chăn nuôi".

Bảng khảo sát giá lợn hơi (heo hơi) hôm nay tại một số địa phương (tham khảo):

img