Dân Việt

Nhà đầu tư không còn hào hứng với cổ phiếu “vua tôm” Minh Phú?

Quốc Hải 22/10/2017 13:00 GMT+7
Sau 1 tuần niêm yết trở lại, cổ phiếu “vua tôm” Minh Phú (Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, mã MPC) vẫn giao dịch khá ảm đạm khi khối lượng cổ phiếu khớp lệnh chỉ vài trăm cổ phiếu/phiên. Đặc biệt, sau 5 phiên giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài toàn... “bán tháo” mã cổ phiếu này chứ chưa có ý định gom vô để tăng tỷ lệ sở hữu; tình hình này cũng giống như thời điểm năm 2015 khi MPC chuẩn bị hủy niêm yết trên HoSE...

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 20.10), cổ phiếu MPC được giao dịch ở mức giá  108.500 đồng/CP, giảm 500 đồng/CP (0,6%) so với phiên giao dịch ngày hôm trước (mức giá 109.000 đồng/CP). Tuy nhiên, khối lượng giao dịch khớp lệnh chỉ đạt 450 cổ phiếu và trong số này có đến 250 cổ phiếu (chiếm 54,18% khối lượng giao dịch toàn thị trường) là do nhà đầu tư nước ngoài bán ra.

img

"Vua tôm" Minh Phú có còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư? (Ảnh: IT)

Nỗi đau của “gã khổng lồ” ngành tôm

Từng là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôm đứng đầu thế giới với doanh thu xuất khẩu đạt 700 triệu USD (năm 2014), cuộc “khủng hoảng ngành tôm” năm 2015 đã khiến “vua tôm” Minh Phú trượt dốc thảm hại. Từ mức lợi nhuận sau thuế khoảng 755 tỷ đồng (năm 2014), bước sang năm 2015 thì lợi nhuận chỉ còn 32 tỷ đồng (giảm hơn 95%). Nguyên nhân của sự sụt giảm này được ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Minh Phú, lý giải rằng MPC đã “ngấm đòn tỷ giá” khi các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia... phá giá đồng tiền quá mạnh. Trong khi đó, Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách “giữ giá” đồng nội tệ so với đồng bạc xanh (USD). Chính điều này khiến hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ khó lòng cạnh tranh với các quốc gia nói trên.

Chia sẻ với báo chí thời điểm đó, ông Quang cho rằng, các DN từ Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… đã chào bán tôm vào thị trường Mỹ với mức giá... “không thể tin được”. Đặc biệt, giá tôm trên thị trường thế giới cũng giảm 30% trong nửa đầu năm 2015 và theo ông: “Với vai trò là cánh chim đầu đàn, nếu Minh Phú quyết định chạy đua theo mức giá tôm thế giới, tức là tung ra một lượng hàng lớn với mức giá siêu thấp (thấp hơn giá thành của công ty)  thì thị trường tôm thế giới sẽ tiếp tục lao dốc thảm hại và không biết đến bao giờ mới vực dậy được. Khi đó thì thiệt hại của MPC sẽ càng cao hơn...”.

Có lẽ, quyết định hủy niêm yết trên HoSE vào năm 2015 (ngày 30.3.2015) lúc đó của MPC là hoàn toàn chính xác bởi khi đó, MPC được giao dịch lên tới với mức giá đóng cửa là 122.000 đồng/CP. Nếu tiếp tục giao dịch trên thị trường thì có lẽ chỉ đến cuối năm 2015 khi MPC “sụt dốc” thê thảm về doanh thu và lợi nhuận thì có thể MPC sẽ gặp phải một “kịch bản” tương tự như “vua cá tra” Hùng Vương (mã HVG) lúc bấy giờ.

Mặc dù tránh được “con bão” giảm giá của chứng khoán MPC song tình hình kinh doanh của MPC sau khi hủy niêm yết lại càng... thảm hại.

Còn nhớ, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên cuối cùng trước khi MPC rời sàn, ông Lê Văn Quang vẫn lạc quan khi cho rằng do nắm trong tay khả năng điều tiết thị trường nên MPC kỳ vọng năm 2015 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 19.333 tỷ đồng (tăng 28%) và 1.452 tỷ đồng (tăng 54%) so với năm 2014. Tuy nhiên, kết quả lại ngược lại khi năm 2015 doanh thu của MPC chỉ đạt 12.472 tỷ đồng (năm 2014 là 15.225 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 32 tỷ đồng (năm 2014 đạt 755 tỷ đồng).

Bước sang năm 2016, tình hình dù có cải thiện khi doanh thu của MPC dù chỉ đạt 11.973 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lại tăng lên được 72 tỷ đồng. Dù vậy, con số này cũng chẳng là gì nếu so với thời điểm “đỉnh” của năm 2014. Song kết quả này lại là đà để MPC đặt ra kế hoạch “khủng” cho năm 2017.

Cụ thể, MPC đạt ra kế hoạch doanh thu 2017 đạt 15.781 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 841 tỷ đồng - vượt qua con số “đỉnh” 755 tỷ đồng của năm 2014. Song đến thời điểm hiện tại, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của MPC mới đạt 6.324 tỷ đồng doanh thu và 144 tỷ đồng lợi nhuận. Do vậy, khả năng MPC đạt kế hoạch đề ra cho năm 2017 khả năng là rất khó.

Nhà đầu tư có còn hào hứng?

Mới đây, ngày 16.10 vừa qua, “vua tôm” Minh Phú đã quyết định niêm yết cổ phiếu MPC trở lại nhưng quyết định này được giới đầu tư đánh giá là “bất đắc dĩ”. Bởi quyết định hủy niêm yết trên HoSE vào năm 2015 theo giải thích của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Minh Phú là MPC cần tìm đối tác chiến lược, thực hiện tái cơ cấu tập đoàn và tăng vốn để đảm bảo chiến lược phát triển của công ty. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu cổ đông hiện tại của MPC, có thể thấy cơ cấu cổ đông của MPC cũng không có gì thay đổi. Đặc biệt, vốn điều lệ của MPC đến thời điểm hiện tại vẫn giữ nguyên ở mức 700 tỷ đồng, chứng tỏ việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược của MPC đến nay cũng chưa có tín hiệu khả quan.

Có lẽ chính bởi vì những chỉ số này nên mặc dù được chào sàn với mức giá 79.000 đồng/CP, cổ phiếu MPC nhanh chóng tăng lên với mức giá 109.000 đồng/CP nhưng khối lượng khớp lệnh các phiên chỉ vài trăm cổ phiếu (phiên cao nhất đạt 7.300 cổ phiếu). Tình hình thanh khoản quá thấp so với con số 70 triệu cổ phiếu MPC được lưu hành trên thị trường.

Đặc biệt, phía nhà đầu tư nước ngoài trong 5 phiên đầu tiên khi MPC niêm yết trở lại cũng liên tục “bán tháo” cổ phiếu. Tình hình này cũng giống như thời điểm 2015 khi MPC chuẩn bị hủy niêm yết trên HoSE. Hiện tỷ lệ room nước ngoài còn lại của MPC lên tới 39,12%.

Đánh giá về tình hình “ảm đạm” của cổ phiếu MPC, một chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng, dù Minh Phú vẫn là “vua tôm” tại Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 532 triệu USD, song một phần là tình hình kinh doanh của MPC vẫn chưa đạt kỳ vọng, cùng với việc niêm yết trên UpCOM sẽ rất khó thu hút dòng tiền từ các đối tác chiến lược là các quỹ ngoại. Do vậy, lượng giao dịch và tình hình thanh khoản của MPC trên thị trường thời điểm hiện tại không biến động nhiều như năm 2015 là hoàn toàn có thể lý giải.

Tình hình tài chính của Minh Phú thời điểm hiện tại đáng lưu ý là khoản mục hàng tồn kho trên 4.400 tỷ đồng vào cuối quý II.2017, tăng gần 1.200 tỷ đồng so với số dư đầu năm. Phần lớn hàng tồn kho của Minh Phú là thành phẩm, đạt trên 4.200 tỷ đồng. Trong đó, gần 3.000 tỷ đồng hàng tồn kho đã được Minh Phú thế chấp cho các khoản vay của công ty.

Ngoài ra, tính đến cuối quý II.2017, Minh Phú vay ngắn và dài hạn tổng cộng 5.374 tỷ đồng, tăng 76 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, 3.335 tỷ đồng vay ngắn hạn hoàn toàn bằng  đồng USD của Mỹ.