Gặp người bị “trật búa”
Ngồi trong căn nhà nhỏ, chị Lê Thị Ngọc Hạnh (40 tuổi, người bị sét đánh cách đây hơn 3 năm) vẫn chưa hết run sợ khi chúng tôi hỏi lại chuyện cũ. Ấy là vụ sét đánh ngày 30.4.2014, tại sân phơi Hợp tác xã Tân Hiệp (Ninh Thượng), làm 1 người chết và 11 người bị thương. Chị cho hay, giây phút bị sét đánh diễn ra quá nhanh mà giờ nghĩ lại vẫn còn thấy choáng.
Khu vực nhà hoang bị sét đánh năm 2014, làm 1 người chết và 11 người bị thương. Ảnh: C.T
"Ngày trước, khi trời mưa tôi còn dám ở ngoài đồng, giờ thì sợ dữ lắm! Có những bữa đang sạ lúa thì mây mù kéo đến, ai cũng hốt hoảng tháo chạy vào những ngôi nhà gần đó trú ẩn. Ở trong nhà rồi mà vẫn không yên tâm. Nghèo khổ quá nên không mấy ai nghĩ đến chuyện làm hệ thống chống sét”. Ông Hồ Đình Thâu |
Lúc ấy, mới chỉ thấy một chớm mây mù, hai mẹ con chị Hạnh vội ra sân cào lúa của gia đình. Cào xong của nhà mình thì quay sang cào phụ cho các hộ xung quanh. Vài hạt mưa vừa rỏ xuống thì hai mẹ con cùng mọi người tháo chạy vào ngôi nhà hoang, rồi bị sét xuyên mái nhà giáng xuống…
“Ban đầu, tôi cảm nhận như bị điện giật. Dòng điện chạy khắp người từ dưới lên tới ngực, rồi đầu bị choáng, ngã quỵ xuống đất không biết gì nữa,... Khi tỉnh dậy, thấy áo quần bị thun lại, còn chiếc điện thoại bị hư hỏng và văng ra xa. Riêng sợi dây chuyền đeo trên cổ cháy nám đen, vết sẹo dài trên cổ đến giờ vẫn còn đây này. Sét đánh còn làm tôi thủng màng nhĩ, phải nằm viện điều trị hơn nửa tháng” - chị Hạnh rùng mình kể.
Mỗi lần nhắc chuyện sét đánh kinh hoàng năm xưa, chị luôn cảm thấy sợ hãi, chị bảo không còn dám ra đồng. Vết thương bị sét đánh cứ đau nhức mỗi khi trở trời, nhiều đêm chị phải thức trắng do vết thương hành hạ. Cái chân trái của chị giờ yếu ớt, đi lại rất khó khăn, không thể mang vác nặng. “Một lần bị sét đánh là ám ảnh suốt đời. Cứ tưởng lúc đấy “đi” luôn rồi, may bà con lấy bùn đất, gốc rạ dưới chân ruộng phủ lên người sơ cứu kịp thời nên tôi may mắn thoát chết. Cách đây 5 ngày, sét cũng đánh làm cháy bóng điện của nhà tôi, tôi càng khiếp sợ sét...” - chị Hạnh cho hay.
Cũng là vụ sét đánh trúng ngôi nhà hoang, cụ Nguyễn Văn Thưởng (77 tuổi, sống cạnh sân phơi Hợp tác xã Tân Hiệp) kể: “Tôi thấy có tia chớp sáng phát ra trước rồi kéo theo tiếng sét, tiếng sét ùng oàng to đến nỗi đầu óc long long, lâng lâng như bay trên mây… Làng này ai cũng khiếp sợ chuyện sét đánh. Tôi luôn nhắc nhở con cháu hết sức cẩn thận, mỗi lần nhìn thấy mây mù thì không nên ở ngoài đồng và không được mang theo bất kỳ dụng cụ bằng sắt thép trên người. Căn nhà cấp 4 của tôi cũng bị sét cách đây khoảng 9 năm, làm nứt dài vách tường nhưng cũng chưa có tiền sữa chữa…”.
Cụ Thưởng cũng cho hay, cách đây khoảng 5 năm, có một thanh niên trên 20 tuổi cũng bị sét đánh chết ngay tại chỗ khi đang đi trên đồng Tân Hiệp. “Không hiểu sao, làng này lại có nhiều người sét đánh như vậy? - cụ Thưởng thở dài.
Sét “ghé thăm” 20 lần/năm
Ông Võ Văn Ẩn - Trưởng thôn Tân Hiệp cho biết, hễ hạt mưa xuất hiện ở vùng này là kèm tiếng sấm sét kinh hồn. Khoảng tháng 4 âm lịch hàng năm, địa phương thường xuất hiện những đợt mưa giông và kéo dài đến hết tháng 9. Ước tính mỗi năm có khoảng 20 lần xảy ra sấm sét tại làng này.
Người dân thôn Tân Hiệp luôn sợ hãi mỗi khi ra đồng làm việc. Ảnh: Công Tâm
Ông Phan Văn Tiến - Trưởng bộ môn Vật lý Trường Đại học Nha Trang cho biết, sét là hiện tượng phóng điện giữa các đám mây và đất mang các điện tích trái dấu. Sét đánh rất nguy hiểm cho con người và gia súc. Để tránh bị ảnh hưởng, khi thấy mưa giông mọi người tốt nhất nên ở nhà, hạn chế ra đồng ruộng, tránh những vùng thường bị sét đánh... |
Rồi ông Ẩn dẫn chúng tôi đến khu vực bị sấm sét gây hại vào ngày 30.4.2014, làm 1 người chết và 11 người bị thương. Ông Ẩn kể, hôm ấy khoảng 12 giờ 30 phút, sau khi thu hoạch, bà con trong làng mang lúa ra phơi tại sân của Hợp tác xã Tân Hiệp. Được một lúc thì trời nổi giông, mọi người chạy vội vào nhà kho bỏ hoang gần đó để trú ẩn.
Bỗng một tràng sấm sét kinh hoàng vang lên, và sét đánh ngay xuống căn nhà hoang. Ngay sau đó, ông Ẩn được người dân báo tin có nhiều người trú tại khu vực trên bị thương nặng. Vừa chạy đến nơi, ông đã thấy bà Đoàn Thị Kim Hoa (sinh năm 1959) bị thương rất nặng. Ông liền hô hoán cho mọi người sơ cứu nhưng do thương tích quá nặng, bà Hoa không qua khỏi. Ngoài ra, 11 người khác cũng bị thương phải nhập viện cấp cứu. Ông Ẩn bảo, dù sự việc xảy ra đã vài năm nhưng mỗi khi nhắc đến, người dân ở đây vẫn chưa hết run sợ. Kể từ đó, người dân trong vùng nhìn thấy có giông đến là không dám ra đồng nữa.
Liên tục từ năm 2015 đến nay, thôn Tân Hiệp vẫn thường xuyên xuất hiện những đợt sấm sét. Có những trận mưa dài, sấm sét dội xuống đến 5 lần; còn mưa ngắn thì thường 1 - 2 lần. Mỗi lần sét đánh là nghe rền cả trời đất. Theo ông Ẩn, sét đánh không những cướp đi sinh mạng con người, mà còn làm hư hỏng một số vật dụng như ti vi, nồi cơm điện, hệ thống điện chiếu sáng, nhà cửa, gia súc… của nhiều gia đình.
Ông Ẩn và nhiều người dân cho hay, nhiều đoàn chuyên gia, nhà khoa học đã đến khảo sát nhưng vẫn không lý giải được lý do sấm sét thường xuyên “ghé thăm” vùng này.
Khó xây hệ thống chống sét?
Làng Tân Hiệp cách trung tâm thị xã Ninh Hòa khoảng 18km và cách TP.Nha Trang khoảng 50km. Ngôi làng có trên 300 hộ dân, đa phần làm nghề nông. Địa hình của Tân Hiệp tựa như một lòng chảo, được bao bọc những ngọn núi lớn nhỏ khác nhau.
Ông Hồ Đình Thâu - người dân Tân Hiệp cho biết: “Sét đánh xuống làng này như cơm bữa, không thể đếm hết được. Ngày trước, khi trời mưa tôi còn dám ở ngoài đồng, giờ thì sợ dữ lắm! Có những bữa đang sạ lúa thì mây mù kéo đến, ai cũng hốt hoảng tháo chạy vào những ngôi nhà gần đó trú ẩn. Ở trong nhà rồi mà vẫn không yên tâm. Nghèo khổ quá nên không mấy ai nghĩ đến chuyện làm hệ thống chống sét”.
Đem câu chuyện “làng sét đánh” Tân Hiệp hỏi chuyện ông Ngô Xuân Đại - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thượng, sau tiếng thở dài, ông cũng cung cấp thông tin: Sét đánh thường xuyên cả 7 thôn trong xã này, nhưng “trọng điểm” luôn là thôn Tân Hiệp. Việc lắp đặt hệ thống chống sấm sét đã được địa phương tính đến. Tuy nhiên, chi phí để lắp đặt khoảng 10 triệu đồng/hộ là quá lớn, trong khi đó kinh phí của địa phương còn khó khăn nên không thực hiện được. “Hiện địa phương chỉ biết tuyên truyền đến bà con khi thấy trời chuẩn bị mưa thì tạm dừng sản xuất, tìm nơi trú ẩn an toàn” - ông Đại nói.