Binh sĩ Trung Quốc trong lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội.
Phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố sẽ hoàn tất việc hiện đại hóa quân đội vào năm 2035 và tới năm 2050 quân đội Trung Quốc sẽ mạnh nhất thế giới.
Nhà phân tích quân sự Nga Andrey Kots mới đây đã đưa ra những nhận định về cách ông Tập sẽ đưa quân đội đạt đến đẳng cấp hàng đầu thế giới. “Giấc mơ Trung Hoa về một đội quân quốc gia mạnh mẽ sẽ trở thành hiện thực”, ông Tập nhấn mạnh.
Học thuyết quân sự mới
Theo nhà phân tích Andrei Kotz, lực lượng quân đội Trung Quốc hiện đang được đầu tư đáng kể. Chỉ trong năm 2017 mức chi quân sự của Trung Quốc đã tăng thêm 7%, lên đến mức 156 tỷ USD và đây là số liệu chính thức. Theo chuyên gia Kotz , con số thực sự có thể đạt tới 200 tỷ USD. Trung Quốc hiện đứng vị trí thứ 2 thế giới về mức chi cho quân sự, chỉ sau Mỹ.
Đối với một đội quân lên tới 2,18 triệu người, số lượng đang nhanh chóng chuyển sang sự đầu tư về chất lượng, chuyên gia Kotz nhấn mạnh.
Đầu năm 2017, Trung Quốc thành lập Ủy ban Trung ương về phát triển Quân dân (CCIMCD), cơ quan này có nhiệm vụ thực hiện việc nghiên cứu và phát triển để tạo ra các loại công nghệ quốc phòng mới, xây dựng và giới thiệu các tư tưởng, khái niệm chiến lược và chiến thuật mới cho quân đội.
Ông Tập Cận Bình đặt mục tiêu đưa quân đội Trung Quốc mạnh nhất thế giới vào năm 2050.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Nga Vasily Kashin, Mỹ đang tập trung vào các lĩnh vực đột phá như công nghệ nano, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, người máy, vũ khí siêu âm, an ninh mạng. Trung Quốc cũng không ngừng cạnh tranh trong các lĩnh vực này, không để Washington chiếm ưu thế vượt trội hơn.
Thay thế khí tài quân sự lỗi thời
Nhà phân tích Kotz nhận định, một trong những tham vọng lớn nhất của ông Tập trong việc hiện đại hóa quân đội là việc hồi sinh lực lượng bộ binh. Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 8.000 xe tăng chủ lực, nhưng khoảng 1/3 trong số đó là các loại Type-59, phiên bản sao chép xe tăng T-55 của Liên Xô, vốn ra đời vào cuối những năm 1950.
Những chiếc Type-59 cũ sẽ được thay thế bằng xe tăng Type-96 và Type-99 hiện đại hơn, đồng thời Trung Quốc bắt đầu sản xuất xe tăng VT-4. Đây là mẫu xe tăng thuộc giai đoạn chuyển tiếp giữa xe tăng thế hệ 3 và thứ 4.
Các xe thiết giáp, pháo tự hành, hệ thống phòng không từ thời Liên Xô cũng đang được thay bằng phiên bản hiện đại hơn do Trung Quốc tự sản xuất.
Điều tương tự cũng xảy ra đối với lực lượng không quân. Năm 2013, Trung Quốc ngừng sản xuất mẫu chiến đấu cơ J-7, phiên bản nhái của MiG-21, vốn từng là xương sống trong lực lượng chiến thuật.
Đến năm 2019, mẫu chiến đấu cơ thế hệ 5 J-20 sẽ dần xuất hiện đại trà trong biên chế không quân Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc vẫn thiếu một loại máy bay ném bom chiến lược hiện đại, thay thế cho phiên bản H-6.
Ông Kotz nhận định, Trung Quốc sẽ phát triển mẫu oanh tạc cơ mới đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa vào năm 2035.
Vươn tầm hoạt động toàn cầu
Mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 trong họa tiết ngụy trang phù hợp địa hình sa mạc.
Tốc độ hiện đại hóa của lực lượng Hải Quân Trung Quốc cũng khiến nhiều chuyên gia kinh ngạc, chỉ trong khoảng 10 năm, giới lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ đạo sát sao chương trình phát triển lực lượng tàu ngầm và tàu nổi của nước này, bao gồm tuần dương hạm và tàu sân bay.
Đặc biệt, Trung Quốc rất chú trọng xây dựng hạm đội có khả năng hoạt động dài ngày trên vùng biển xa bờ, mang theo được một lượng lớn trang thiết bị và vũ khí.
Hồi tháng 7, hải quân Trung Quốc điều hai tàu đổ bộ cơ động Donghaido và tàu bộ đổ Type-071 Jinggangshan đến hỗ trợ xây dựng căn cứ đầu tiên ở Djibouti. Trung Quốc cũng là nước đầu tiên cạnh tranh với Mỹ trong việc đóng tàu đổ bộ cơ động.
Nếu như Mỹ định nghĩa tàu đổ bộ cơ động là loại căn cứ nổi phục vụ việc triển khai các hoạt động quân sự cỡ lớn ở bờ biển đồng minh thì Trung Quốc lại thiết kế các loại tàu tương tự như Donghaido cho mục đích thiết lập căn cứ trên biển của đối phương, làm bãi đổ bộ cho hải quân.
Trong năm 2017, Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ 2 mang Type-001A, với thiết kế gần giống với tàu sân bay Liêu Ninh và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga.
Đến năm 2035, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sở hữu năng lực tàu sân bay đáng kể. Chuyên gia Kashin nhận định, tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc sẽ có nhiều công nghệ mới, trong đó có hệ thống phóng điện từ.
“Dự án này có nhiều điều chưa được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng con tàu này sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân và có kích cỡ lớn hơn nhiều so với hai tàu trước đó”.
Tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc cũng có thể đem theo nhiều tiêm kích và máy bay hỗ trợ hơn, hoạt động ở các vùng nước xa lâu hơn, ông Kashin nói.
Bước đột phá trong công nghệ vũ trụ
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc.
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc được cho là đang nỗ lực đuổi kịp Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao và không gian.
Theo công bố của Lầu Năm Góc, từ năm 2014 đến năm 2016, Trung Quốc có 7 lần phóng thiết bị bay siêu âm DF-ZF. Hệ thống này có thể đạt tốc độ 6.000 km/giờ, có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân và đủ sức xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa.
Hiện tại, Trung Quốc bắt đầu trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa Dongfeng (DF-41) cho quân đội. Tên lửa có khả năng mang theo đến 12 đầu đạn hạt nhân, tầm bắn lên tới 15.000km.
Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường năng lực chế tạo vệ tinh và tàu vũ trụ. Số lượng vệ tinh quân sự của Trung Quốc hiện tại xếp thứ 2 thế giới và chỉ đứng sau Mỹ.
Quân đội Trung Quốc đã thiết lập thành công hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu phục vụ mục đích quân sự và dân sự. Cuối năm 2015, quân đội Trung Quốc đã khởi động chương trình phát triển vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa.
Đây được coi là những chìa khóa để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa quân đội bước vào kỷ nguyên mới, trở thành lực lượng hàng đầu thế giới, ông Kotz kết luận.
Những người quyền lực nhất ở Trung Quốc không chỉ bao gồm chính trị gia, mà còn cả doanh nhân, chủ doanh nghiệp, trở...