Dân Việt

Cảnh báo: Cá rô phi đối mặt bệnh mới nguy hiểm, gây chết hàng loạt

Lê Bền 24/10/2017 13:22 GMT+7
Một loại virus mới đặc biệt nguy hiểm có tên Tilapia lake virus (TiLV) gây bệnh trên cá rô phi, có thể làm chết đến 90% cá thể nhiễm bệnh đã được phát hiện lưu hành tại nhiều địa phương ở Việt Nam.

img

Cá rô phi con bị bệnh do TiLV (bụng và hậu môn phình to)

Các tổ chức quốc tế cũng đã có cảnh báo về nguy cơ và sự nguy hiểm của loại virus này.

Trước diễn biến và nguy cơ của virus mới đối với SX cá rô phi - đối tượng thủy sản nuôi quan trọng của nước ta, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có nuôi cá rô phi về việc chỉ đạo áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh mới do TiLV gây ra trên cá rô phi.  

Nhiều nước đã công bố dịch

Bộ NN-PTNT cho biết: Theo cảnh báo của Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng thủy sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương (NACA), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE), gần đây đã có sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh mới do Tilapia lake virus (TiLV) gây ra trên cá rô phi tại 3 châu lục, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bệnh có thể lây lan giữa các cá thể trong ao nuôi, đặc biệt là qua hoạt động vận chuyển cá rô phi giống mang mầm bệnh từ nước này sang nước khác. Hiện tại, bệnh đã chính thức được công bố tại 8 nước và vùng lãnh thổ, gồm Colombia, Ecuador, Ai Cập, Israel, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia và Ấn Độ.

Theo công bố của các nước có nuôi rô phi bị nhiễm bệnh do virus TiLV, cá rô phi nhiễm bệnh có tỷ lệ chết từ 20 - 90%, chủ yếu ở giai đoạn nhỏ từ 1 - 3 tháng tuổi. Theo nhận định của OIE, FAO và NACA, Việt Nam là nước thuộc diện có nguy cơ rất cao đối với bệnh này.

Trước tình hình trên, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương tổ chức điều tra xác minh tình hình dịch bệnh, chủ động lấy mẫu giám sát phát hiện TiLV trên cá rô phi giống và cá rô phi nuôi thương phẩm. Kết quả cho thấy từ năm 2015 đến nay, một số cơ quan nghiên cứu, trung tâm giống thủy sản, doanh nghiệp Việt Nam đã NK cá rô phi từ các nơi đã công bố có dịch bệnh do TiLV như Israel, Thái Lan, Đài Loan về làm giống hoặc thực phẩm.

Bên cạnh đó, cá rô phi cũng được NK về Việt Nam từ nhiều nước khác như Anh và Philippines (đã được đưa vào danh mục nước có nguy cơ cao xuất hiện bệnh này); Trung Quốc (mặc dù chưa công bố dịch bệnh nhưng theo phân tích và nhận định của nhiều chuyên gia trên thế giới cho thấy mầm bệnh này đã và đang lưu hành rất rộng).  

img

Dấu hiệu lở loét, xuất huyết trên da của cá rô phi nhiễm TiLV

Nguy cơ rất cao

Theo Cục Thú y, kết quả chủ động lấy mẫu giám sát cá rô phi giống và nuôi thương phẩm (mặc dù còn hạn chế về số lượng mẫu và phạm vi giám sát) thời gian qua cho thấy, đã có sự lưu hành TiLV ở một số địa phương. Trong đó đã xuất hiện hiện tượng cá rô phi giống và nuôi thương phẩm phát bệnh.

Hội nghị triển khai phòng, chống bệnh mới do Tilapia Lake Virus trên cá rô phi do Bộ NN-PTNT phối hợp với FAO mới đây đã khẳng định nguy cơ xuất hiện, lưu hành TiLV tại một số tỉnh nuôi cá rô phi là rất cao. Trong khi đó, bệnh do TiLV là bệnh mới, hiện chưa có trong danh sách các bệnh phải công bố dịch theo quy định của OIE và pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (ban hành kèm theo Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT) quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, cũng chưa có quy định phải kiểm dịch đối với tác nhân gây bệnh này.

img

Rô phi - đối tượng thủy sản nuôi có nhiều tiềm năng của Việt Nam

Do đó, nguy cơ TiLV xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua đường nhập khẩu cá rô phi giống là rất nguy hiểm. Đồng thời, tình hình NK bất hợp pháp cá rô phi giống từ các nước láng giềng vào Việt Nam còn phổ biến, chưa được kiểm soát triệt để; việc buôn bán, vận chuyển cá rô phi giống từ tỉnh này sang tỉnh khác không qua kiểm dịch vẫn còn rất phổ biến...

Để chủ động ứng phó nguy cơ dịch bệnh do TiLV bùng phát, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ có nuôi cá rô phi chỉ đạo các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các cấp khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách:

- Tăng cường chỉ đạo kiểm soát việc vận chuyển, NK cá rô phi giống bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam, từ tỉnh này sang tỉnh khác không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tăng cường kiểm tra tình hình SX, lấy mẫu giám sát phát hiện TiLV ở cơ sở sản xuất cá rô phi giống; các biện pháp quản lý, chăm sóc, đặc biệt lưu ý ở các giai đoạn giao mùa, thời tiết chuyển nắng nóng.

- Tăng cường chế độ giám sát, phát hiện sớm hiện tượng cá rô phi chết nhiều bất thường, nếu phát hiện phải báo ngay cho cơ quan thú y nơi gần nhất để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về sản xuất, nuôi cá rô phi an toàn như thả mật độ thưa, sử dụng quạt nước trong những ngày nắng nóng, sử dụng thuốc đúng, đủ theo hướng dẫn, có trách nhiệm.

Theo Cục Thú y, TiLV là virus mới chỉ được phát hiện trên thế giới trong vài năm trở lại đây, gây bệnh ở các loài cá rô phi nuôi, gồm: Cá rô phi vằn (Nile tilapia, Oreochromis niloticus); cá rô phi lai tạo (O. niloticus × O. aureus hybrids) và cá rô phi đỏ/cá diêu hồng (Oreochromis sp.).

Các loài cá rô phi hoang dã như cá rô phi xanh (Oreochromis aureus), cá rô phi Mango (Sarotherodon galilaeus), Tilapia zilli và Tristamellasimonis intermedia cũng mẫn cảm với virus này. Tỷ lệ chết trong các ổ dịch tự nhiên từ 9 - 90%.

Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống (cá con). Cá rô phi đỏ (cá diêu hồng) giống nuôi lồng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ chết có thể lên tới 90% trong vòng một tháng sau thả. Bệnh lây lan theo chiều ngang, từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng ao nuôi, trại nuôi, qua nguồn nước, dụng cụ...

Về dấu hiệu bệnh lý, bệnh gây tỷ lệ chết cao trong đàn cá nuôi, đặc biệt ở cá nhỏ, do đó khi thấy có hiện tượng cá rô phi nuôi chết nhiều, không rõ nguyên nhân thì có thể nghi đây là bệnh do virus TiLV gây ra. Cá mắc bệnh có biểu hiện chán ăn, màu sắc cơ thể biến đổi (sẫm màu); thay đổi tập tính bơi lội (như tập trung ở trên bề mặt, bơi lờ đờ), ngừng kéo đàn, hôn mê trước khi chết.

Các dấu hiệu bên ngoài có thể có, gồm: Hiện tượng xung huyết, xuất huyết não; ăn mòn và lở loét từ dạng điểm đến mảng trên da; mang tái nhợt; mắt bị teo lại hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; xoang bụng và hậu môn phình to; vẩy dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn…