Sáng nay, ngày 24.10, theo chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết rất nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng của Việt Nam chạy theo gia tăng dầu thô, tín dụng nên vì sao quý I, II thấp, quý III cao. Tại sao năm nay tăng trưởng GDP năm nay là 6,7% mà sang năm chỉ là từ 6,5- 6,75%? Tại sao GDP tăng 6,7% mà, mà ngân sách dự báo chỉ tăng 2,3%?...
Không thể tăng trưởng dựa vào dầu thô
Phó Thủ tướng phân tích, năm ngoái và năm nay Việt Nam bắt đầu đối mặt với thực tiễn, công nghiệp khai khoáng liên tục giảm và giảm rất sâu, đầu tiên là dầu thô, tiếp đó là than đá.
“Tổng mức tín dụng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Chỉ cần 1 công ty bất động sản bị vỡ nợ thì kéo theo đổ vỡ dây chuyền”, Phó Thủ tướng cảnh báo. |
Dầu thô năm 2017, kế hoạch đạt chỉ 13,28 triệu tấn thôi so với 2016 thì giảm 3 triệu tấn. “Tính toán cứ mỗi 1 triệu tấn dầu thô giảm đi thì GDP giảm 0,25%. Như vậy giảm 3 triệu tấn, thì làm giảm GDP 0,75%. So với cuối nhiệm kỳ trước 2015 thì giảm 4,54 triệu tấn, đây là mức giảm sâu”, Phó Thủ tướng tính toán.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định giờ muốn khai thác thêm để tăng trưởng cũng không được vì giờ dầu phải đi vào vùng biển xa, trữ lượng dầu thô giảm. “Chúng ta cũng không có nhiều dầu thô đâu và lượng có khả năng thương mại thì thấp chứ không nhiều. Do đó ta không thể dựa vào dầu thô này”.
Phó Thủ tướng cho biết thêm nếu năm ngoái tăng khai thác như năm 2015 thì GDP tăng thêm 0,75% và tăng trưởng sẽ tăng gần 7%. “Năm nay ta còn giảm hơn. Công nghiệp khai khoáng 9 tháng đầu năm giảm 8,08% nên không có việc tăng trưởng dựa vào dầu thô”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích.
Về tín dụng, Phó Thủ tướng cho biết 9 tháng năm nay tín dụng tăng 12%, xêm xêm như cùng kỳ năm ngoái nên câu chuyện tăng trưởng dựa vào tín dụng là không phải. Nhiều ý kiến lo ngại 3 tháng cuối năm, tín dụng mà tăng thêm 9% thì sợ ảnh hưởng tới lạm phát.
“Không lo ngại vì đây chỉ là chỉ tiêu định hướng và lạm phát cơ bản từ yếu tố tiền tệ chỉ có 1,43%, mà mục tiêu cả năm là 1,6- 1,8%. Còn lại 4% là để dành cho tăng giá các mặt hàng khác điện, than, xăng dầu, dịch vụ công cơ bản. Điều hành tín dụng còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của nền kinh tế, ta dẫn nó đi đâu thôi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích.
Phó Thủ tưởng phân tích thêm, trước đây tín dụng tăng 30- 36%/năm và năm 2009 cao điểm nhất là 53,9%/năm, giờ chỉ còn một nửa. “Nhưng tổng mức tín dụng không quan trọng bằng chất lượng tín dụng. Chỉ cần 1 công ty bất động sản bị vỡ nợ thì kéo theo đổ vỡ dây chuyền”, Phó Thủ tướng cảnh báo.
Số liệu tài chính của doanh nghiệp nhà nước theo báo cáo của Chính phủ (Nguồn: Vietnamnet)
Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết đã có những thông tin không chính xác về việc các tập đoàn vay nợ hàng trăm nghìn tỷ đồng. Vừa rồi Chính phủ có cuộc họp quan trọng yêu cầu NHNN báo cáo các khoản nợ trên 5.000 tỷ đồng.
“Báo cáo cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các tập đoàn địa ốc phần lớn là nợ nhóm 1, có khả năng trả nợ cao nhất. Còn nếu tính tổng công ty mẹ, công ty con này nọ thì có tập đoàn vay nợ cao nhất chỉ có 20.000 tỷ đồng. Nên vừa rồi chủ yếu tín dụng chảy vào công nghiệp chế tạo, nông nghiệp. Nên tăng trưởng giảm bớt phụ thuộc từ đầu tư vốn, tín dụng. Cái đó hoàn toàn phù hợp với quy luật”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích.
Động lực tăng trưởng dựa vào đâu?
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, giờ muốn năm nay đạt tăng trưởng là 6,7% thì quý IV phải tăng trưởng khoảng 7,31%. Để tăng trưởng đạt được 6,7%, Phó Thủ tướng đã dẫn tài liệu của các tổ chức nghiên cứu đóc lập chứ không phải của Chính phủ.
Theo đó, công nghiệp tăng, quan trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng rất mạnh. “Đây là động lực tăng trưởng của quý III và 9 tháng”.
“Nên cứu cánh từ dầu thô không còn. Tăng 1 triệu tấn dầu thô cũng khó mà đạt được như trước, thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn, vì vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp”, Phó Thủ tướng bình luận. |
Riêng công nghiệp chế biến chế tạo năm ngoái sự cố Glaxy Note 7, Samsung mất 1 tỷ USD. Quý I.2017 chuyển sang Note 8, Quý II đưa vào sản xuất và Quý III tung sản phẩm ra thị trường. Samsung bán rất chạy nên điện tử linh kiện trong 9 tháng tăng hơn 41%, trong đó Samsung tăng 45%.
Riêng công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh tăng 25,1%, Hải Phòng tăng 20,1%, Thái Nguyên tăng 18,1%, Hải Dương tăng 11,2%, Đồng Nai tăng 8,3%...
“Vùng công nghiệp trọng điểm này tăng tốt, tỷ lệ nội địa của Samsung hiện nay là 57% (trước đây là 20,1%), bao gồm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nội địa Hàn Quốc sang sản xuất ở Việt Nam. Nếu tình hình tiếp tục diễn ra như vậy, thì công nghiệp chế tạo dự kiên đạt tăng 13,5%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng”, Phó Thủ tướng nhận định.
Dịch vụ năm 2017 bứt phá, tăng trưởng đồng điều ở các tỉnh, trong đó bán buôn bán lẻ tăng cao nhất. “Du lịch quốc tế tăng mỗi tháng thêm 1 triệu khách du lịch, bình quân mấy tháng gần đây tăng 30% và còn tăng mạnh hơn từ nay tới cuối năm khi có tết tây, tết ta, Noen và đặc biệt là APEC. Dự kiến năm nay đạt 13 triệu khách du lịch là chắc chắn”, Phó Thủ tướng dự báo.
Thu ngân sách trông chờ vào cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn khỏi Vinamilk, Sabeco
Theo Phó Thủ tướng, hiệu ứng lan toả từ du lịch tới dịch vụ, làm dịch vụ tác động vào tăng trưởng GDP từ 7,5%. Riêng du lịch, dịch vụ đóng góp 3,2% điểm tăng trưởng trong tăng trưởng GDP, cao hơn xây dựng và hoàn toàn bù đắp được sụt giảm dầu khí.
“Nên cứu cánh từ dầu thô không còn. Tăng 1 triệu tấn dầu thô cũng khó mà đạt được như trước, thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn, vì vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp”, Phó Thủ tướng bình luận.
Ngoài ra, năm nay còn có 1,7 triệu tấn thép của Formosa (không nằm trong dự báo trước đây của Chính phủ), năm sau Formosa hoạt động hết công suất thì có gần 7 triệu tấn thép.
Về nguồn lực, yếu tố vốn rất quan trọng chiếm 53% trong tổng tăng trưởng. Vốn ngân sách giảm, nhưng vốn FDI cao giải ngân từ 15- 16 tỷ USD, vốn huy động xã hội cao. Đó cũng là 1 trong những yếu tố tạo nên tăng trưởng.
Về ngân sách, Phó Thủ tướng cho biết rất tâm đắc và thấy chính xác. “Tại sao ước thu ngân sách chỉ tăng 2,3% trong khi tăng trưởng tăng cao? Vì các nhà đầu tư nước ngoài mới đầu tư, thu chủ yếu là thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên thuế nhà thầu,…”.
Phó Thủ tướng cho biết thêm thu ngân sách giảm cũng do trong Quý IV bà con không mua ô tô trong nước mà chờ đến 1.1.2018, thời điểm thuế xuất bằng 0 để mua xe giá rẻ nên các tỉnh Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hải Dương sẽ có giảm sụt thu thuế.
“Tuy mới thu đạt 16% nhưng dự báo cả năm vẫn đạt là trông vào quá trình cổ phần hoá. Quá trình cổ phần hoá chuẩn bị từ đầu năm đến quý IV này mới tiến hành. Tổng số công ty cổ phần hóa có tổng vốn rất lớn như: Tập đoàn cao su Việt Nam, PVOil, Tổng công ty Điện lực dầu khí, Lọc hoá dầu Bình Sơn... Rồi thoái vốn khỏi Vinamilk, Sabeco... mà bán kịp thì sẽ cho dư địa cả năm sau. Rồi khu vực ngoài quốc doanh năm ngoái cũng đóng góp vào ngân sách 20%”, Phó Thủ tướng phân tích.