Dân Việt

Đề xuất xây dựng lại Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp

Nguyên Vỹ 25/10/2017 07:03 GMT+7
Đó là đề xuất của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhận được nhiều ý kiến tán thành. Theo TS Lịch, hầu hết các doanh nghiệp (DN) huy động dòng tiền để đầu tư chủ yếu qua ngân hàng thương mại. Tương lai của ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục giữ vai trò chi phối khi tham gia từ trung đến dài hạn. “Nhưng DN Việt mỏng vốn, kinh doanh bằng tiền của người khác nên chi phí và giá thành cao; thị trường Việt Nam còn khập khiễng; để vận dụng các mô hình của nước ngoài thì không dễ” - TS Lịch nhận định.

Các DN có tiền cho ngân hàng vay với lãi suất thấp thì rất “chảnh”. Các DN cần vay tiền của ngân hàng thì chứa đựng nhiều rủi ro. TS Lịch cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp cho nhóm DN thứ hai khi thấy có khả năng đầu tư hiệu quả mà chưa được ngân hàng thương mại tin tưởng.

img

Ngân hàng thừa vốn nhưng nhiều doanh nghiệp không dễ tiếp cận.  Ảnh: T.L

Đề xuất giải pháp cụ thể để chương trình kết nối được hiệu quả, TS Lịch cho rằng Bộ Tài chính và Chính phủ phải xây dựng lại đúng nghĩa quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ. “Bản chất bảo lãnh tín dụng là tín chấp. Khi một tài sản được cho vay, ngân hàng sẽ bảo lãnh và giám sát tài sản hình thành. Nếu DN phá sản thì ngân hàng chịu thiệt 30%, quỹ chịu 70%. Kể cả quỹ đầu tư mạo hiểm cũng liên quan vấn đề này” - TS Lịch đề xuất. 

Trong khi đó, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng vấn đề DN thiếu vốn, ngân hàng có vốn mà khó cho vay đã nói nhiều. Cần sớm tìm mẫu số chung thỏa mãn điều kiện cả hai bên để giải quyết vướng mắc. Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc cho hay, dù đã đạt chứng nhận DN ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chứng nhận DN khoa học và công nghệ, nhưng đơn vị vẫn khó tiếp cận được vốn ưu đãi cho nông nghiệp công nghệ cao.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đề nghị thành lập hệ thống bão lãnh tín dụng Trung ương  - vốn không thể hoạt động dưới tiêu chí lợi nhuận và được phê chuẩn từ Quốc hội. Ngân hàng Nhà nước phải tìm cách thức tiếp cận mới để giải quyết bài toán tín dụng hiện nay.