Bị cáo Nguyễn Minh Hùng đã ngất xỉu tại chỗ sau khi nghe tin bị bắt tạm giam ngay tại tòa.
Bị cáo bị bắt ngay tại toà là trường hợp hiếm
Chiều 23.10, lực lượng công an bất ngờ đến phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án nhập lậu thuốc của công ty Cổ phần VN Pharma mời hai bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma) và bị cáo Võ Mạnh Cường (người môi giới cho VN Pharma mua lô thuốc H-Capita) ra hành lang công bố lệnh bắt tạm giam.
Sau khi cảnh sát công bố lệnh bắt tạm giam 90 ngày do Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM ký, bị cáo Nguyễn Minh Hùng đã ngất xỉu và phải nhờ sự chăn sóc của cán bộ y tế.
Việc bị cáo bị bắt tạm giam tại thời điểm phiên tòa phúc thẩm vẫn đang trong quá trình xét xử làm nhiều người bất ngờ.
Trao đổi với PV về câu hỏi trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) và luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh) chung đánh giá, việc bắt giữ bị cáo, bị can khi phiên tòa đang diễn ra là điều bình thường và nằm trong thẩm quyền của Tòa án.
“Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam do Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án quân sự cấp quân khu, Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao quyết định”, luật sư Kiên viện dẫn khoản 1 Điều 243 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003.
Luật sư Thơm cho biết, thực tế đã có nhiều trường hợp Tòa án ra quyết định bắt tạm giam bị cáo. Tuy nhiên, quyết định tạm giam thường được thực hiện trước khi phiên tòa diễn ra để đảm bảo bị cáo có mặt khi xét xử hoặc để đảm bảo thi hành án. Trường hợp bắt ngay tại phiên xử rất hiếm nhưng không sai.
Trường hợp nào bị cáo bị bắt tại tòa?
Sau khi 2 bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường bị bắt tạm giam ngay tại tòa, nhiều người thắc mắc, trường hợp nào bị can, bị cáo bị bắt tạm giam ngay tại tòa?
Trả lời câu hỏi trên, luật sư Lê Văn Kiên cho biết: Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, trong trường hợp để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội, cũng như khi cần bảo đảm thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có thể áp dụng một trong những biện pháp ngăn chặn như: bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú...
Luật sư Kiên cho biết thêm, HĐXX cũng có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo tại tòa với các trường hợp quy định ở điều 88, Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2003.
Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 quy định, việc tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc đối với tội phạm ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù trên 2 năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
Ngoài ra, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau:
- Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã;
- Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử;
- Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Khi được hỏi, quyết định bắt tạm giam 2 bị cáo ngay tại phiên tòa xét xử vụ án nhập lậu thuốc của công ty Cổ phần VN Pharma thuộc trường hợp nào, luật sư Nguyễn Anh Thơm và luật sư Kiên đều cho rằng, quyết định bắt tạm giam với 2 bị cáo của Tòa có thể căn cứ vào việc hai bị cáo phạm tội thuộc vào trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nhưng cũng có thể là để đảm bảo việc thi hành án với các bị cáo bởi đây là vụ án rất nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận.
“Trong trường hợp HĐXX có căn cứ xác định quá trình tại ngoại 2 bị cáo gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì cũng có thể bắt tạm giam. Việc bắt tạm giam bị cáo phụ thuộc vào đánh giá của Tòa và các tài liệu liên quan đến vụ án”, luật sư Thơm nói.
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù. Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. |
Chiều 24-10, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án. Bị cáo Nguyễn Minh Hùng cựu GĐ VN Pharma đã khóc ngất...