Chủ tịch Tâp Cận Bình trong buổi ra mắt Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập (64 tuổi), một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (PSC) tiếp tục được bầu làm Tổng bí thư Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp. Ông Lý Khắc Cường (62 tuổi) cũng có tên trong PSC.
7 thành viên PSC mới gồm các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính.
Các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ra mắt tại Đại lễ đường Nhân dân trưa 25.10
7 ủy viên Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc do ông Tập Cận Bình dẫn đầu đã tiến ra phòng họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trưa nay, ra mắt các phóng viên trong nước và quốc tế. Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu trước truyền thông quốc tế. Trong bài phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân trưa 25.10, ông Tập nhấn mạnh rằng chính sách "mở cửa" của Trung Quốc sẽ song hành cùng các cải cách.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong buổi ra mắt PSC mới.
"Tôi đã tái đắc cử Tổng bí thư của Ủy ban Trung ương CPC. Việc này không chỉ là sự ủng hộ đối với công việc của tôi, mà còn là động lực thúc đẩy tôi. Thay mặt ban lãnh đạo trung ương mới được bầu, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới tất cả các thành viên khác của Đảng vì sự tín nhiệm mà họ đã đặt vào chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm việc hết mình để hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh đã được giao phó và xứng đáng với sự tin tưởng của mọi người", ông Tập tuyên bố trước báo giới.
Cũng theo Tân Hoa xã, ông Triệu Lạc Tế đã được bầu làm lãnh đạo Uỷ ban Chống tham nhũng đảng Cộng sản Trung Quốc thay cho ông Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải đắc lực của ông Tập trong suốt nhiệm kỳ 2012-2017.
Triệu Lạc Tế sinh năm 1957 trong một gia đình tri thức ở Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc. Bố mẹ ông là người gốc Thiểm Tây, cùng quê với Tập Cận Bình. Ông Triệu tốt nghiệp khoa Triết, đại học Bắc Kinh và từng dạy học ba năm ở trường Thương mại Thanh Hải.
Tại Trung Quốc, quyền lực tối cao nằm ở Thường vụ Bộ Chính trị, nơi tập trung những lãnh đạo ảnh hưởng nhất. Hoạt động của Ban thường vụ cho đến nay vẫn là một bí mật.
Trong khi Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc thường họp mỗi tháng một lần thì Thường vụ Bộ Chính trị thường họp hàng tuần để quyết định các vấn đề quan trọng.
Để trở thành thành viên Ban thường vụ, một người thường phải có nhiệm kỳ Bộ Chính trị khoá trước đó. Ngoại lệ hiếm hoi trực tiếp bước vào Thường vụ mà không kinh qua nhiệm kỳ Bộ Chính trị nào là ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường vào năm 2007 tại Đại hội Đảng lần thứ 17.
Ban Thường vụ Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2012-2017 gồm các ông Tập Cận Bình (64 tuổi), Lý Khắc Cường (62 tuổi), Trương Đức Giang (70 tuổi), Du Chính Thanh (72 tuổi), Lưu Vân Sơn (70) tuổi), Vương Kỳ Sơn (69 tuổi), Trương Cao Lệ (70 tuổi). Các ủy viên thường nghỉ khi quá 68 tuổi.
Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc ngày 24.10. Đại hội đã bầu Ủy ban Trung ương mới với 204 thành viên chính thức, ít hơn một người so với Ủy ban Trung ương khóa 18, và có 172 thành viên dự khuyết. Đại hội cũng bầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) khóa mới với 133 thành viên.
Trong 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 chỉ có Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp tục được bầu vào Ủy ban Trung ương khóa 19. 5 ủy viên còn lại là Vương Kỳ Sơn, Trương Cao Lệ, Du Chính Thanh, Trương Đức Giang, Lưu Vân Sơn đều đã quá tuổi quy định và không có mặt trong cơ quan này.
Ông Tập Cận Bình sinh ngày 1.6.1953 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông là con trai của cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân. Gia đình ông Tập gốc ở Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình tốt nghiệp chuyên ngành lý luận chủ nghĩa Mác và Giáo dục chính trị tư tưởng Học viện Xã hội Nhân văn Đại học Thanh Hoa, Tiến sĩ Luật. Phu nhân ông Tập là bà Bành Lệ Viện - một ca sĩ mang hàm thiếu tướng của lực lượng văn công Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình đã trải qua thời hoa niên gian khổ, chính thời kỳ đó đã tôi luyện tinh thần Tập Cận Bình, giúp ông hòa mình thân thiện với nông dân, và nổi tiếng như là một người con của nhân dân.
Năm 1974, ông Tập Cận Bình gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 1982, ông Tập Cận Bình khởi đầu sự nghiệp chính trị tại một huyện nhỏ ở tỉnh Hà Bắc.
Từ năm 1982 đến 1985, ông là phó bí thư và bí thư huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc. Trong thời gian này, ông đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình, được truyền hình về làm phóng sự.
Trong năm 1985, ông được luân chuyển đến tỉnh miền Nam Phúc Kiến. Tại đây, ông kinh qua nhiều chức vụ, từ phó chủ tịch TP Hạ Môn, bí thư Thành ủy Phúc Châu, rồi được bầu phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch tỉnh.
Từ năm 2003 đến 2007, ông Tập Cận Bình trở thành người đứng đầu nhất thể hóa: Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh lân cận Chiết Giang. Sau đó, ông là bí thư Thành ủy Thượng Hải và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 15; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 16, 17.
Tại Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10.2007, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời được phân công kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.
Ngày 15.3.2008, ông Tập được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) bầu làm Phó Chủ tịch nước.
Tháng 10.2010, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tháng 11.2012, ông được bầu làm Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 3.2013, ông Tập được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 12 bầu làm Chủ tịch nước.Trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên kéo dài 5 năm, ông Tập đã đạt được nhiều thành quả đáng nể khiến nhiều người đánh giá tầm ảnh hưởng của ông hiện nay có thể sánh ngang với lãnh tụ Mao Trạch Đông.