Dân Việt

Nhìn lại một năm rưỡi trên ghế Tổng TTCP của ông Phan Văn Sáu

Hải Phong (tổng hợp) 25/10/2017 10:50 GMT+7
Tại vị trong thời gian ngắn, chỉ khoảng một năm rưỡi, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Phan Văn Sáu đã để lại một số dấu ấn đậm nét so với các vị tiền nhiệm, dù không có nhiều phát ngôn đáng chú ý.

Nhậm chức vào tháng 4.2016 khi đang giữ cương vị Phó ban Kinh tế T.Ư (trước đó nữa là Bí thư An Giang), Tổng TTCP Phan Văn Sáu (sinh năm 1959 tại xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đã nhấn mạnh trong lễ nhậm chức: “Tôi thấy đây là niềm vinh dự to lớn, cũng là nhiệm vụ nặng nề buộc tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa cùng các đồng chí gánh vác nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao phó”.

img

Sau một năm rưỡi tại vị Tổng TTCP, ông Phan Văn Sáu vì lý do "sức khỏe và gia đình" đã được Bộ Chính trị đồng ý cho chuyển về làm Bí thư Sóc Trăng thay ông Nguyễn Văn Thể, người từng có thời gian giữ chức Thứ trưởng Bộ GTVT (từ năm 2013 - 2015). Trong một diễn biến khác, ông Trương Công Nghĩa cũng đã được Thủ tướng đề nghị miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ GTVT sau khi ông này được Trung ương điều vào làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. (Ảnh: I.T)

Ông Phan Văn Sáu hứa cùng các Phó Tổng Thanh tra và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan TTCP phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, thành tích quan trọng của các vị tiền nhiệm ngành Thanh tra để lại.

“Bản thân sẽ cố gắng học tập, trau dồi về mặt chuyên môn cũng như đạo đức cùng các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của ngành quyết tâm đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, đổi mới, kỷ cương, dân chủ, phát huy truyền thống để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành được giao góp phần vào sự phát triển chung của đất nước”, tân Tổng TTCP khi đó khẳng định.

Cơ quan TTCP trước khi ông Phan Văn Sáu tiếp quản phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là khi hai người tiền nhiệm là ông Trần Văn Truyền và Huỳnh Phong Tranh đều vấp phải những vấn đề lùm xùm.

Đặc biệt, nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền còn phải chịu án phạt kiểm điểm của tổ chức Đảng do có những sai phạm trong kiểm kê tài sản và vấn đề nhà đất.

Với nguyên Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh, Bộ Nội vụ đầu năm 2017 có kết luận chỉ ra ông này đã ký quyết định bổ nhiệm 6 trường hợp sai quy định trong giai đoạn ông chuẩn bị nghỉ hưu.

Vừa ngồi lên ghế nóng Tổng TTCP, trong năm đầu tiên, nguyên Phó ban Kinh tế T.Ư Phan Văn Sáu đã cho toàn ngành Thanh tra triển khai với gần 6.600 cuộc thanh tra hành chính và 250.000 cuộc thanh tra chuyên ngành. 

Riêng năm 2017, TTCP đảm nhiệm nhiều cuộc thanh tra quy mô lớn, đặc biệt là trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính tại các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu lớn, có nguy cơ mất vốn, tài sản.

Các cuộc thanh tra tại Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị liên quan trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tập trung việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác ở Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hoà… cũng được tiến hành.

img

Chỉ tại vị trong một thời gian khá ngắn, tuy nhiên Tổng TTCP Phan Văn Sáu đã để lại một số dấu ấn với nhiều cuộc thanh tra ở quy mô lớn. (Ảnh: Thanhtra.gov.vn)

Ngoài ra, TTCP liên tục được giao những "điểm nóng" như dự án trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), nghi vấn nhập lậu thuốc chữa ung thư tại VN Pharma, quá trình cổ phần hoá Hãng Phim truyện Việt Nam, "biệt phủ" của giám đốc sở ở Yên Bái...

Trong năm 2016, TTCP trực tiếp tiến hành nhiều cuộc thanh tra lớn như thanh tra Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) - nơi ông Trịnh Xuân Thanh từng làm Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT và để xảy ra nhiều sai phạm, thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng.

Cùng năm, TTCP kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án Nhiên liệu sinh học có vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên; việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ​.. Riêng với dự án Đình Vũ, cơ quan thanh tra nêu dự án lỗ hơn 1.400 tỷ đồng.

Trong cuộc làm việc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hồi tháng 4.2017, ông Phan Văn Sáu đề nghị cơ quan này "có ý kiến" để sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, giúp nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả hoạt động của ngành.

Gần đây nhất, tại cuộc họp giao ban công tác chiều 15.8.2017, Tổng TTCP Phan Văn Sáu yêu cầu các cục, vụ, đơn vị chú ý chấn chỉnh vấn đề phát ngôn làm lộ lọt thông tin nội bộ của một số cán bộ trong cơ quan.

Đến đầu kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào 10.2017, thông tin từ Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông Phan Văn Sáu đã có đơn gửi Bộ Chính trị xin thôi giữ chức Tổng TTCP với lý do sức khỏe và gia đình. Ngay sau đó, Bộ Chính trị đồng ý để ông Phan Văn Sáu chuyển về làm Bí thư Sóc Trăng.

Tổng Thanh tra Chính phủ các thời kỳ gần đây

Ông Quách Lê Thanh làm Tổng Thanh tra Nhà nước, sau đó đổi tên thành Tổng TTCP từ tháng 8.2002 – đến tháng 6.2006.

Ông Trần Văn Truyền làm Tổng TTCP từ tháng 6.2006 – tháng 8.2011.

Ông Huỳnh Phong Tranh làm Tổng TTCP từ tháng 8.2011 – tháng 4.2016.

Ông Phan Văn Sáu làm Tổng TTCP từ tháng 4.2016 – tháng 10.2017.