Dân Việt

Thiếu trầm trọng nguyên liệu thủy sản

16/10/2011 06:42 GMT+7
(Dân Việt) - Đang vào vụ đánh bắt thủy sản thuận lợi nhất trong năm, nhưng nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vẫn phải kêu trời vì thiếu nguyên liệu.

Hụt hơi triền miên

Ông Đào Quốc Tuấn -Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Sản xuất Tứ Hải (BR-VT) cho biết: Hiện Công ty cần từ 9-10 tấn nguyên liệu/ngày, nhưng chỉ thu mua được từ 2-3 tấn, thậm chí có ngày không có hàng để sản xuất, dù đã có nhiều biện pháp chủ động thu mua nguyên liệu như: Tổ chức mạng lưới thu mua từ tỉnh Kiên Giang, bố trí lực lượng thu mua và sơ chế nguyên liệu tại chỗ trước khi vận chuyển về Công ty.

img
Nhiều ngư dân đang gặp khó khăn trong vấn đề bảo quản sản phẩm sau khai thác

Còn Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) thì dùng biện pháp chủ động "bắt tay" với các nhà cung cấp nguyên liệu thủy sản cả nước từ Đà Nẵng trở vào, nhưng nguồn nguyên liệu cũng chỉ đáp ứng được 75% năng lực sản xuất. Ông Lê Văn Kháng - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh BR-VT, Tổng Giám đốc Công ty Coimex cho biết: Từ tháng 1-4 năm nay, Công ty gần như không có nguyên liệu để làm, vì giá dầu tăng kéo theo các chi phí cho chuyến biển cũng tăng theo, ngư dân đồng loạt nằm bờ. Công ty đã phải hỗ trợ ngư dân bằng việc cam kết tăng giá mua cá, nhưng nguồn nguyên liệu vẫn không đủ.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh này, nhu cầu sử dụng nguyên liệu của toàn tỉnh vào khoảng 1 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng khai thác của bà con chỉ được khoảng hơn 200 nghìn tấn/năm, mới đáp ứng được khoảng 22% nhu cầu sản xuất.

Vì không có nguyên liệu cho chế biến thuỷ sản, nên chuyện "vỡ" hợp đồng giữa các doanh nghiệp (DN) với đối tác xảy ra như cơm bữa.

Nguyên liệu kém chất lượng

Anh Nguyễn Ngọc Minh Phương - chủ tàu cá BV 5488TS, ấp Tân Lập, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền 10 năm trước, mỗi chuyến đánh bắt xa bờ, tài công cho tàu chạy ra biển khoảng chừng 20 hải lý là có thể quăng lưới. Còn bây giờ tàu cá phải chạy cách xa đến 200 hải lý mà vẫn không có cá, nguồn lợi hải sản từ biển giảm khoảng 50% so với trước, đã vậy tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới chiếm đến hơn 70%. Một số loài hải sản có giá trị cao mà trước đây ngư dân đánh bắt được với số lượng lớn, như: Cá thu, cá mú, tôm hùm, mực... giờ đây đã trở nên khan hiếm.

Hơn nữa, phương thức bảo quản sản phẩm sau khai thác của ngư dân hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến cho tỷ lệ hao hụt lớn, chất lượng nguyên liệu kém.

Ông Phạm Bạn - chủ tàu cá BV 93288TS, xã Phước Tỉnh cho biết: Ông cũng như nhiều ngư dân khác ước có hệ thống cấp đông để bảo quản sản phẩm tốt hơn, nhưng trong điều kiện hiện nay là vô cùng khó khăn. "Bởi vì, để đầu tư một giàn cấp đông, ngư dân phải bỏ ra từ 500-700 triệu đồng/cặp tàu. Hơn nữa, để vận hành tốt hệ thống cấp đông này, bà con phải được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật" - ông Bạn nói.

DN và ngư dân cần “tiếng nói chung”

Trái ngược với số lượng các DN chế biến hải sản ngày càng tăng, thì sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản ngày càng giảm, trong khi đó, chuỗi liên kết trong khai thác, cung ứng, sử dụng nguyên liệu giữa ngư dân và DN còn rất rời rạc. Mặt khác, do thiếu sự liên kết giữa DN và ngư dân nên chưa có cơ chế nào khuyến khích ngư dân bảo quản sản phẩm tốt.

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có hơn 64.000 lao động sống bằng nghề chế biến thuỷ sản. Việc DN thiếu nguyên liệu chế biến, kéo theo hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng, nhiều nhà máy buộc phải giảm công suất 50%.

Một ngư dân tính toán, một lô cá đánh bắt trong vòng 10 ngày về bến cũng được các nậu vựa mua với giá ngang với lô cá của các tàu đánh bắt từ 30-45 ngày/chuyến. Vì thế, nhiều tàu cá thay vì cần 2.000 cây đá cho một chuyến biển họ chỉ lấy khoảng 1.500 cây để giảm chi phí khiến chất lượng bảo quản hải sản giảm. Với cách thu mua hải sản theo kiểu "vàng thau lẫn lộn" của các nậu vựa hiện nay, khiến cho ngư dân càng không quan tâm tới việc bảo quản sản phẩm.

Về vấn đề này, ông Trần Xuân Nhật - Giám đốc Công ty TNHH Đông Đông Hải cho rằng: DN và ngư dân cần có "tiếng nói chung". DN cần thông tin cho ngư dân biết, nhà máy chế biến đang cần nguyên liệu gì, chất lượng ra sao, kích cỡ như thế nào, thời điểm thu mua... Từ đó, ngư dân sẽ biết khai thác có chọn lọc, giảm bớt các loại cá không dùng để xuất khẩu nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản và bảo đảm chất lượng nguyên liệu cung ứng cho DN.