Dân Việt

BOT và trách nhiệm của Bộ GTVT: Không thể "nhà dột tới đâu vá tới đó"

Thanh Xuân 25/10/2017 18:30 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong số hàng loạt các khuyến điểm, sai sót của các dự án BOT mà UBTV Quốc hội chỉ ra, đáng chú ý nhất vẫn là việc triển khai xây dựng toàn tuyến đường độc đạo, hiện hữu, chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia giao thông.

img

BOT giao thông phải đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân tham gia (Ảnh: IT)

Bản thân BOT không có lỗi

Ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: Đoàn thanh tra của Quốc hội đã kiểm tra, đưa ra những đánh giá rất đúng đắn, đồng thời cũng khẳng định bản thân BOT không có tội mà tội là ở việc triển khai một số các dự án đã có sai phạm và thiếu sót.

Ông Liêm cũng cho rằng,  BOT là xây dựng vận hành và chuyển giao, trong đó vẫn đề khiến cho người dân quan tâm và bức xúc nhiều trong thời gian qua  bắt nguồn từ nhiều nội dung của một số dự án BOT chưa được làm rõ như:  Việc các dự án BOT triền khai hết bao nhiêu tiền; căn cứ vào đâu để đưa ra mức tính toán thu phí 40 – 50.000 đồng/lượt xe; thời gian thu phí tại sao lại có chỗ là 10 năm, có chỗ 15 năm…và vấn đề bức xúc nhất vẫn chính là những người dân ở địa phương lân cận tram BOT không có quyền lựa chọn. “Nhiều người dân phản ánh, chỉ đi có chưa đến 1km những cũng phải đóng phí như đi cả đoạn đường. Trước họ đi không mất phí nhưng dự án BOT chỉ cải tạo, không hề xây mới cũng thu phí…”, ông Liêm cho biết.

Ông Liêm cũng cho rằng, việc phương tiện lưu thông trên con đường cũng chỉ là dự đoán, nếu nhà đầu tư chỉ sau 5 năm đã thu hồi được đủ vốn và có lãi do lưu lượng xe tăng mạnh thì sao? Khi đó nếu vẫn tiếp tục thu phí thì nhà đầu tư sẽ “siêu lợi nhuận” và người thiệt thòi vẫn chỉ có người dân tham gia giao thông.

Ông Phạm Sỹ Liêm cũng nhấn mạnh, đối với các dự án BOT trong trường hợp có lợi ích nhóm thì còn tệ hại hơn rất nhiều. “Công trình đáng 1 khai tăng gấp đôi nhưng tới đây Bộ GTVT liệu có quy ra được trách nhiệm cụ thể cho cá nhận nào không, hay cuối cùng cũng chỉ rút kinh nghiệm kiểu chung chung”, ông Liêm nhấn mạnh.

Trước đó, UBTV Quốc hội yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm tại các dự án BOT và báo cáo vào kỳ họp Quốc hội vào cuối năm 2018. UBTV Quốc hội cũng cho biết: “Việc lựa chọn dự án đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư chưa hợp lý. Đa số các dự án tập trung trong lĩnh vực đường bộ theo phương thức cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu nên chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia giao thông”.

img

Trạm Thu phí Bến Thủy cũng được đánh giá là dự án BOT không cho người dân được lựa chọn (Ảnh: IT)

Nhà dột tới đâu vá tới đấy không ổn

Trao đổi với Dân Việt, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, (Bộ KHĐT) cho rằng: Việc UBTV Quốc hội yêu cầu Bộ GTVT phải giải trình và có báo cáo vào cuối năm 2018 là điều đương nhiên, nhưng việc triển khai BOT trong giao thông  và nhiều lĩnh vực khác sẽ vẫn còn tiếp tục nên cần phải có những đánh giá lại toàn diện đối với loại hình đầu tư BOT. “Quan niệm của tôi BOT là cần thiết, nhất là trong giai đoàn ngân sách nhà nước chưa đủ mạnh cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Thực tế là các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đều làm nhưng họ làm rất bài bản và quy củ. Do đó, để việc triển khai BOT được tốt cần có đánh giá toàn diện trước khi triển khai tiếp, chứ không chỉ làm theo kiểu “nhà dột tới đâu và tới đấy” là không ổn”, ông Hồ nhấn mạnh.

Theo ông Lưu Bích Hồ, tới đây việc triển khai các dự án BOT sẽ còn tiếp tục nên để không đi theo “vết xe đổ” của các dự án trước cần phải hoàn thiện thêm về thể chế chính sách; quy định cụ thể, tổ chức thực hiện, từ chủ trương, quyết định dự án, đến mở thầu, triển khai…đều phải được giám sát chặt chẽ.

“Cần phải có đánh giá toàn diện, tổng thể, bắt đầu từ quy hoạch, nhất là quy hoạch giao thông đường bộ. Việc thiếu vốn hiện nay cũng do nguyên nhân chính là chưa làm tốt quy hoạch tổng thể, chỗ nào cũng làm theo kiểu “bấu, vá” thì không biết bao giờ mới hoàn thiện được”, ông Hồ cho biết.

Ông Lưu Bích Hồ cũng lấy ví dụ, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là bài học cay đắng cho các nhà quản lý. Từ tiến độ bị chậm, rồi liên tục đội vốn và hoãn đi hoãn lại cho đến nay mãi vẫn chưa xong. “Bộ GTVT là đơn vị phải có trách nhiệm làm rõ việc triển khai một số dự án BOT có tình trạng lợi ích nhóm hay không. Việc triển khai đã theo đúng quy trình, công khai, minh bạch, chặt chẽ, và thường xuyên có kiểm tra giám sát hay chưa…Phải chỉ ra trách nhiệm của người đứng đầu chứ không chỉ kết luận sai sót kiểu chung chung được”, ông Hồ nhấn mạnh. Ông Lưu Bích Hồ cũng cho biết thêm, tại sao một số công trình như cầu Nhật Tân hay Metro TP. Hồ Chí Minh do Nhật bản làm lại rất tốt mà mình lại không học hỏi được cách làm, cách quản lý rất hiệu quả của họ?

UBTV Quốc hội cho biết, vệc lập, thẩm định, phê duyệt dự án BOT còn bất cập, thiếu minh bạch, công tác thiết kế, dự toán còn sai sót và chưa chặt chẽ làm tăng giá trị dự toán công trình. Hầu hết các dự án đều chỉ định thầu nhưng nhiều nhà đầu tư, nhà thầu nguồn lực hạn chế dẫn đến công trình thất thoát và giảm hiệu quả đầu tư.

Các quy định của pháp luật và thực tế triển khai về thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, vị trí đặt trạm thu phí còn chưa hợp lý dẫn đến việc một số dự án gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bộ GTVT chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành thông tư hướng dẫn việc thu phí (giá thu phí, thỏa thuận vị trí đặt trạm và quy trình giám sát thu phí) chưa hợp lý.