Dân Việt

Bật mí về 5 'ngôi sao' mới trong ban lãnh đạo Trung Quốc

Phương Đăng (tổng hợp). 25/10/2017 18:35 GMT+7
Ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thường vụ Bộ Chính trị (PSC) Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 19 còn có 5 thành viên mới, được đánh giá là những "ngôi sao" đang lên trên chính trường Trung Quốc.

img

Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu các thành viên PSC khóa 19 bước lên sân khấu, ra mắt công chúng.

Trưa nay (25.10), 7 ủy viên PSC khóa 19 - cơ quan quyền lực tối cao của Trung Quốc - do Chủ tịch Tập Cận Bình (64 tuổi) dẫn đầu đã ra mắt công chúng.

Ngoài Chủ tich Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường là những "người quen", 5 gương mặt mới trong PSC bao gồm các ông Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hỗ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính. 

img

Đây là 5 "ngôi sao" mới trong ban lãnh đạo Trung Quốc khóa 19 vừa được công bố trưa nay (25.10).

Xét trên quy định nghỉ hưu và tuổi tác của 5 ủy viên PSC mới, không có ai được cho là đủ trẻ để có thể trở thành "người kế nhiệm" ông Tập trong tương lai. 

img

Ông Tập tiến tới bục phát biểu trong lễ ra mắt PSC khóa 19.

Trong buổi ra mắt các thành viên PSC khóa 19, người thứ 3 bước lên sân khấu ngay sau Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường là ông Lật Chiến Thư (67 tuổi). Ông Lật sinh ngày 30.8.1950 tại Hà Bắc trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ông nội ông có ba anh em trai, người em thứ 4 từng làm bí thư tỉnh Sơn Đông.

img

Ông Lật Chiến Thư.

Tháng 9.2012, Lật Chiến Thư được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng thường trực Trung ương đảng, thay thế Lệnh Kế Hoạch. Ông Lật chính thức làm Chánh văn phòng vào tháng 10. 

Trước đó, ông từng làm tỉnh trưởng Hắc Long Giang và Bí thư tỉnh ủy Quý Châu và Bí thư thành phố Tây An. Tháng 11.2012, ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 kiêm Bí thư Ban bí thư, Chánh văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Lật được xem là một trong những cộng sự gần gũi và thân tín nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông thường tháp tùng nhà lãnh đạo Trung Quốc trong các chuyến công du nước ngoài. Ông chính là người giám sát lịch trình, chuẩn bị các tài liệu và lo vấn đề an ninh trong các chuyến đi của ông Tập.

Tiếp theo là ông Uông Dương (62 tuổi), vốn giữ chức Phó Thủ tướng Trung Quốc. Ông Uông sinh năm 1955 tại Túc Châu, An Huy. Ông từng làm công nhân tại một nhà máy chế biến thực phẩm trước khi vào đảng.

img

Ông Uông Dương.

Sau đó, ông theo học kinh tế chính trị theo tư tưởng cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình tại một trường đảng, tốt nghiệp năm 1979 rồi về quê, trở thành cố vấn chính sách đảng trước khi gia nhập đoàn thanh niên địa phương và thăng tiến lên vị trí tỉnh ủy năm 1984. 

Ông được bổ nhiệm làm Phó tỉnh trưởng An Huy (1993-1998), Bí thư thành ủy Trùng Khánh (2005-2007), Bí thư tỉnh Quảng Đông từ tháng 11.2007 tới tháng 1.2013.

Ông Uông Dương trở thành Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.2012 và được bổ nhiệm làm phó thủ tướng vào tháng 2.2013 tới nay.  

Vị trí thứ 5 trong PSC thuộc về ông Vương Hỗ Ninh (62 tuổi), một cựu học giả từng viết diễn văn cho cả Chủ tịch Tập và 2 người tiền nhiệm của ông là cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân. Do đã kinh qua ba đời lãnh đạo Trung Quốc nên ông Vương được đánh giá là một người dạn dày kinh nghiệm. 

img

Ông Vương Hỗ Ninh

Ông Vương sinh ngày 6.10.1955, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông cũng thường xuyên tháp tùng ông Tập trong nhiều chuyến công du nước ngoài. 

Người đứng ở vị trí thứ 6 là ông Triệu Lạc Tế (60 tuổi). Ông Triệu cũng vừa được bầu làm lãnh đạo Uỷ ban Chống tham nhũng đảng Cộng sản Trung Quốc thay cho ông Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải đắc lực của ông Tập trong suốt nhiệm kỳ 2012-2017.

img

Ông Triệu Lạc Tế

Triệu Lạc Tế sinh năm 1957 trong một gia đình tri thức bình thường ở Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc. Bố mẹ ông là người gốc Thiểm Tây, cùng quê với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Triệu tốt nghiệp khoa Triết, đại học Bắc Kinh và từng dạy học ba năm ở trường Thương mại Thanh Hải.

Tương tự như ông Tập, thời trẻ, ông Triệu cũng là một trong số hàng triệu thanh niên Trung Quốc bị đưa về vùng nông thôn lao động để "rèn luyện". Năm 2000, ở tuổi 42, ông Triệu Lạc Tế được bổ nhiệm chức Tỉnh trưởng Thanh Hải, trở thành nhà lãnh đạo cấp tỉnh trẻ nhất Trung Quốc thời điểm đó.

Sau đó tháng 3.2007, ông Triệu được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây cho đến năm 2012. Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền vào tháng 11.2012 thì ông Triệu, đồng hương của ông Tập được bầu vào Bộ Chính trị đồng thời kiêm nhiệm chức Bí thư Ban Bí thư và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng. 

Người cuối cùng bước lên sân khấu trong buổi ra mắt PSC hôm nay là ông Hàn Chính (63 tuổi). Ông Hàn sinh năm 1954 tại Thượng Hải, tốt nghiệp đại học Phúc Đán và có bằng tiếng sĩ kinh tế ở đại học Sư phạm Hoa Đông.

img

Ông Hàn Chính .

Ông Hàn là Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 16, 17, 18, 19. Sự nghiệp chính trị của Hàn Chính gắn liền với Thượng Hải. Năm 2003, ở tuổi 48, ông được chọn làm Thị trưởng Thượng Hải, trở thành vị thị trưởng trẻ nhất thành phố trong năm mươi năm. Ông làm thị trưởng Thượng Hải từ năm 2003 đến 2012. Tháng 11.2012 tới nay, ông làm Bí thư thành ủy Thượng Hải.

Tại Trung Quốc, PSC là cơ quan nắm quyền lực tối cao và theo đó, 7 ủy viên PSC đều là những lãnh đạo có ảnh hưởng nhất. Hoạt động của PSC cho đến nay vẫn là một bí mật. Trong khi Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc thường họp mỗi tháng một lần thì Thường vụ Bộ Chính trị thường họp hàng tuần để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.