Sáng nay, ngày 26.10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV tiếp tục với phiên thảo luận về dụ thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) với nhiều ý kiến băn khoăn về quyền lợi của người gửi tiền khi TCTD bị kiểm soát đặc biệt, hoặc phá sản.
Bỏ quy định về quyền lợi người gửi tiền?
Nhận định về dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh), đồng tình dự thảo luật sẽ tạo cơ sở pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và TCTD yếu kém, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo TCTD.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh)
Tuy nhiên, đại biểu Thơ góp ý vào tại mục 1E của dự thảo luật về các TCTD bị kiểm soát đặc biệt sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ tâm lý khách hàng, có sự lan truyền lớn. “Vì vậy cần phải kiểm soát đặc biệt với những ngân hàng yếu kém có rủi ro bị phá sản. Việc phá sản ngân hàng có thể tác động tiêu cực tới tâm lý người gửi tiền cá nhân ồ ạt rút tiền, điều này có thể gây đổ vỡ dây chuyền với hệ thống ngân hàng. Nếu bắt buộc phải phá sản TCTD là bắt buộc thì dự thảo luật cần phải có quy định rõ hơn về các phương án phá sản áp dụng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền”, đại biểu Thơ góp ý.
Đại biểu Thơ cho biết thực tế ở địa phương hiện có vấn đề về bảo hiểm tiền gửi. Hiện mức quy định mức chi trả bảo hiểm tối đa là 75 triệu đồng, trong khi người gửi tiền thực tế lên hàng tỷ đồng, nên không có ý nghĩa thực tiễn. "Ngân hàng Nhà nước cần xem xét lại quy định về mức chi trả bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện phá sản ngân hàng", đại biểu Thơ góp ý.
Đồng quan điểm về quyền lợi người gửi tiền, đại biểu Bùi Thanh Tùng, (đoàn Hải Phòng), cũng nhận định cần phải làm rõ quyền lợi người gửi tiền trong quá trình xử lý TCTD bị kiểm soát đặc biệt hoặc phá sản.
Theo đại biểu Tùng, cơ cấu lại TCTD giai đoạn 2010 -2015 chưa đạt kết quả như kỳ vọng, còn nhiều TCTD yếu kém ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống nhưng chưa có biện pháp toàn diện để xử lý phục hồi do thiếu khuôn khổ pháp lý.
“Do đó tôi nhất trí với phương án của báo cáo thẩm tra của Quốc hội, báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về dự luật các tổ chức tín dụng sửa đổi. Theo tôi, cần tập trung vào các luật quy định của các TCTD yếu kém để kịp thời xử lý bất cập của các TCTD yếu kém”, đại biểu Tùng nêu quan điểm.
Liên quan đến xử lý TCTD yếu kém, đại biểu Tùng góp ý vào dự thảo luật về quyền lợi của người gửi tiền và các TCTD yếu kém cũng như các quy định về bảo đảm bảo vệ pháp lý cho người tham gia tái cơ cấu của các TCTD bị kiểm soát đặc biệt.
“Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV vừa qua dự thảo Luật các tổ chức tín dụng có quy định cụ thể về biện pháp hỗ trợ chi trả về hạn mức chi trả cho người gửi tiền khi thực hiện phá sản TCTD yếu kém. Nhưng đến dự thảo luật kỳ này thì lại không có quy định này nữa. Vậy quyền lợi của người gửi tiền sẽ được xử lý như thế nào khi phá sản TCTD?”, đại biểu Tùng băn khoăn.
Đại biểu Tùng cho hay, theo quy định kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước không cho phá sản TCTD để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Theo dự thảo luật, đối với phương án chuyển giao bắt buộc, đối tượng bị chuyển giao bắt buộc phải là TCTD chuyển giao bắt buộc.
“Trong trường hợp không thực hiện chuyển giao bắt buộc Chính phủ quy định chủ trương về phương án phá sản theo điều 151 của dự thảo luật. Như vậy phương án phá sản sẽ là phương án cuối cùng xử lý TCTD yếu kém”, đại biểu Tùng góp ý.
Theo đại biểu Tùng, trong trường hợp, ngân hàng có quy mô khách hàng lớn, nếu thực hiện phá sản, nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội rất cao. Trong trường hợp có ngân hàng thương mại rơi vào trường hợp này chúng ta sẽ làm gì?
“Trường hợp này ở các nước, Nhà nước sẽ thực hiện vai trò là người mua cuối cùng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém này để xử lý. Do vậy tôi đề nghị cân nhắc thêm quy định xử lý trường hợp không thực hiện quyền chuyển giao bắt buộc nhưng không thực hiện phá sản TCTD yếu kém do tác động của nó mang lại”, đại biểu Tùng góp ý.
Cùng quan điểm, đại biểu Định Duy Vượt (đoàn Gia Lai) cũng đề nghị, không sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. “Nhưng cần có nghiên cứu toàn diện, giải pháp phù hợp từng thời điểm với từng TCTD nhằm đảm bảo quyền của người gửi tiền, tránh tình trạng người gửi tiền rút tiền ồ ạt, gây hậu quả lớn đến nền kinh tế và xã hội”.
Trách nhiệm người tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém ra sao?
Về việc miễn trách nhiệm với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt của dự thảo luật, theo đại biểu Thơ, với con số nợ xấu của các TCTD mà Chính phủ báo cáo với Quốc hội và theo quy định của dự thảo luật này, nhiều TCTD sẽ bị kiểm soát đặc biệt.
“Vì vậy cần phải quy định cụ thể trách nhiệm đối với những người tham gia tái cơ cấu lại TCTD bị kiểm soát đặc biệt, các phương án rủi ro bắt buộc của TCTD bị kiểm soát đặc biệt”, đại biểu Thơ góp ý.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, (đoàn Hải Phòng)
Về vấn đề này, đại biểu Tùng cũng cho rằng đề nghị giữ lại quy định này và cần thiết bảo vệ về mặt pháp lý cho người nhận xử lý công việc khó khăn phức tạp, chưa có quy định cụ thể cơ cấu lại TCTD yếu kém.
“Nếu nghiên cứu kỹ quy định, tại dự thảo Luật thì không phải lo ngại vì dự thảo luật đã quy định khá chặt chẽ về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém và người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém chỉ được miễn trách nhiệm nếu thực hiện đúng trách nhiệm của mình”, đại biểu Tùng nhận định.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định này vào luật hình sự, tuy nhiên bộ Luật Hình sự mới vừa được Quốc hội sửa đổi tại kỳ họp thứ 3 vừa qua chưa có kế hoạch sửa đổi. Do đó nếu chờ bổ xung quy định này vào luật hình sự thì không kịp tình hình thực tiễn. Do vậy, theo tôi nên có trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém, kiểm soát đặc biệt.
“Ngành ngân hàng là ngành đặc biệt, nên việc kiểm soát hoạt động của ngân hàng càng khó khăn hơn ngành khác, nếu không có cơ chế khuyến khích người tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nhân lực tốt tham gia triển khai cơ cấu lại TCTD yếu kém”, đại biểu Tùng phân tích.